Nhuốm màu xám xịt

Thị trường tranh Việt đang nhuốm màu xám xịt

Kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam vài năm qua có dấu hiệu sa sút, nhất là thị trường tranh đang nhuốm một màu xám xịt.
Kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam vài năm trở lại đây có dấu hiệu sa sút, nhất là thị trường tranh đang nhuốm một màu xám xịt.

Hoạ sĩ Lê Nguyên Mạnh, người sắp tới sẽ mở triển lãm tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “So với thời điểm này năm ngoái, số lượng triển lãm cá nhân năm nay chỉ bằng 80%”.

Bán được tranh là có "phao" bơi tiếp

Việt Nam vẫn chưa có một thị trường tranh nội địa đúng nghĩa, gần như chỉ dựa vào các nhà buôn tranh nước ngoài, còn số các nhà sưu tập trong nước thì quá nhỏ chưa thể làm chỗ dựa cho giới sáng tác.

Cũng bởi vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường tranh trong nước chịu nhiều tác động. Hơn một năm trở lại đây, nhiều phòng tranh không bán thêm được bức nào cho khách nước ngoài.

Thậm chí nhiều phòng tranh đã phải đóng cửa hoặc sống “lay lắt” với việc bán tranh trang trí nội thất cho người Việt hay những bức tranh dăm bảy trăm đôla cho du khách yêu thích nghệ thuật về làm kỷ niệm.

Đa số các phòng tranh sáng tác hiện nay vẽ tranh thị trường, tranh chép. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có Đồng Khởi, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Phú… giống như Hà Nội có Hàng Trống, Hàng Bông, Hàng Gai, Tràng Tiền...

Ở các gallery Hà Nội thường có hai loại tranh - tranh dành cho nhà sưu tập, là những tranh vẽ nghệ thuật và tranh décor, dùng để trang trí nhà cửa, văn phòng, khách sạn… đơn thuần.

“Hiện nay, hầu hết các phòng tranh mà tôi được biết nếu không đi theo khuynh hướng thị trường thì sẽ thất bại thảm hại," họa sĩ Đỗ Lực cho hay. "Phần lớn những họa sĩ thành đạt trong việc bán tranh đều là những họa sĩ vẽ theo nhu cầu thị trường. Đó là những bức tranh mà mọi người nhìn đều hiểu với màu sắc tươi sáng, sạch sẽ và đường nét thị giác bắt mắt phù hợp với nội thất hiện đại”.

Giá thành của loại tranh này thường chỉ dao động trong khoảng một trăm đến vài trăm đôla. Còn tranh nghệ thuật thì lâm vào cảnh sống vô cùng “chật vật” như một hoạ sĩ trẻ ngao ngán: “Thời điểm này, việc bán một bức tranh với giá trên 1000 USD (dù giá trị thật của nó phải hơn thế) cũng đã là rất khó”.

Art Việt Nam Gallery do bà Suzanne Lecht làm Giám đốc nghệ thuật, nơi được đánh giá là mảnh đất “màu mỡ”, tập trung chủ yếu những họa sĩ có “thương hiệu” thì khoảng cuối năm 2008 cũng quyết định ngừng làm việc với các họa sĩ mới do tình hình khó khăn chung.

Hoạ sĩ Lê Nguyên Mạnh ngao ngán cho biết: “Vài năm nay, hoạ sĩ chúng tôi mỗi lần bán được một bức tranh là như người sắp chết đuối vớ được cái phao. Có phao lại có thêm sức để bơi tiếp…”.

Gallery đóng cửa, “rao” tranh trên mạng


Trên thị trường tranh, không chỉ các tác phẩm nổi tiếng quốc tế bị sao chép mà tranh của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… cũng bị đem ra “mổ xẻ”.

Thậm chí, lớp họa sĩ đương đại nổi tiếng cũng bị chép nhiều như Thành Chương, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Thanh Bình… Thời gian qua, nhiều họa sĩ không có họat động gì nổi bật mà chủ yếu dành thời gian “nuôi” ý tưởng.

Thị trường phía nam cuối tháng 7/2009 “tăng nhiệt” khi hoạ sĩ Lê Kinh Tài bán 37 bức tranh với giá 4,9 tỷ đồng. Đây là sự kiện gây nhiều ngạc nhiên giữa bối cảnh ảm đạm của thị trường kinh doanh nghệ thuật trong nước. Nhưng cú “hích” này cũng chỉ như hòn đá ném xuống mặt hồ đang lặng sóng, chưa đủ sức thay đổi diện mạo thị trường tranh Việt.

Nhiều hoạ sĩ tỏ ra khá bi quan, không chỉ bởi môi trường kinh doanh “xuống dốc” mà cả môi trường làm nghệ thuật cũng “kém sáng”. Hoạ sĩ Đỗ Lực bức xúc: “Vẽ tranh để kiếm tiền và vẽ để thỏa mãn ý đồ nghệ thuật phải tách bạch, hai cái đó không thể đi chung đường. Làm nghệ thuật không thể 'nửa vời' được. Thời của những hoạ sĩ nổi tiếng và tài năng thực sự đã qua đi mất rồi”.

Nhiều gallery không thể trụ được trong cơn suy thoái kinh tế đã buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, đóng cửa không có nghĩa là “chết”, bởi họ vẫn tìm cho mình một “lối đi” bằng cách “rao” bán những bức tranh trên mạng./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục