Thị trường xăng dầu 2013: Điều hành theo cơ chế thị trường

Năm 2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã được giữ ổn định.
Thị trường xăng dầu 2013: Điều hành theo cơ chế thị trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Trọng Đạt/TTXVN)

Năm 2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã được giữ ổn định, do kết hợp hài hòa việc tăng/giảm mức sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu và/hoặc giảm thuế nhập khẩu và/hoặc giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở.

Giảm không bù tăng

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 11 lần, trong đó có sáu lần giảm và năm lần tăng. Tuy số lần giảm nhiều hơn nhưng chất lượng sau những lần tăng giảm lại tỷ lệ nghịch với nhau.

Mặt hàng xăng dầu giảm giá lần lượt vào các thời điểm: ngày 9/4 giảm 500 đồng/lít; ngày 18/4 giảm 410 đồng/lít; ngày 26/6 giảm 310 đồng/lít; ngày 22/8 với 300 đồng/lít; ngày 7/10 giảm 390 đồng/lít, sau lần giảm thứ 6 vào ngày 11/11 với mức 250 đồng/lít, thì tổng mức giảm là 2.160 đồng/lít.

Trong khi đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 5 lần: ngày 28/3 tăng sốc với 1.400 đồng, ngày 14/6 tăng tối đa 420 đồng/lít, ngày 28/6 tăng 360 đồng/lít, ngày 17/7 giá xăng tăng tối đa 460 đồng/lít, ngày 18/12 tăng thêm 580 đồng/lít, tổng số tiền tăng thêm cho mỗi lít là khoảng 3.200 đồng/lít. Như vậy, mức tăng của giá xăng tương đương 4,48%.

Giá bán xăng dầu trong nước thời gian qua đã được điều chỉnh tăng khi mức độ kiềm chế do kết hợp với việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá và yêu cầu doanh nghiệp không tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở. Khi giá xăng dầu thế giới giảm, Liên Bộ Tài chính-Công thương đã kịp thời yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán xăng dầu trong nước.

Với tăng giá gần nhất ngày 18/12 vừa rồi đã khiến xăng A95 và A92 tăng lên lần lượt 24.710 đồng/lít và 24.210 đồng/lít. Giá dầu diesel 0,05S tăng 650 đồng, lên 22.960 đồng/lít, trong khi dầu hỏa tăng thêm 380 đồng ở mức 22.400 đồng/lít.

Trước việc xăng dầu tăng giá ngay trước kỳ cao điểm Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp và người dân đều tỏ ra lo lắng giá các mặt hàng khác sẽ "té nước theo mưa" tăng giá ào ạt.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải đang tính chuyện tăng giá cước và như thế sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân khi thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần.

Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ Tài chính việc tăng giá xăng dầu trong nước do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và các doanh nghiệp bị thua lỗ. Tính bình quân trong 30 ngày gần đây, giá xăng A92 là 114,52 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 125,82 USD/thùng, dầu hỏa 125,61 USD/thùng, dầu mazut 609 USD/tấn.

Với mức giá thế giới như trên, sau khi tính cả các khoản thuế và phí, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ 914 đồng/lít xăng A92; lỗ 982 đồng/lít với dầu diesel. Riêng mặt hàng dầu hỏa, doanh nghiệp bị lỗ nặng nhất 1.414 đồng/lít, trong khi dầu mazut bị lỗ 109 đồng/kg.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu, đều phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tránh tăng đột biến của mặt hàng này.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho rằng thứ tự ưu tiên trong nguyên tắc sử dụng các công cụ khi điều chỉnh giá của Liên Bộ là ưu tiên người tiêu dùng, doanh nghiệp và cuối cùng là Nhà nước


Linh hoạt nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo nghị định, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong biên độ giới hạn nhất định, theo quy trình và nguyên tắc quy định. Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước.

Ở Việt Nam, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới, trực tiếp là sự biến động của giá xăng, dầu thành phẩm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Liên Bộ Tài chính-Công Thương không quyết định giá bán cụ thể của từng doanh nghiệp, mà chỉ tính toán và đưa ra mức tăng giá tối đa (đối với trường hợp tăng giá) và mức giảm tối thiểu (đối với trường hợp giảm giá). Việc quy định như vậy sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì sẽ khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý, tiết kiệm chi phí... để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở thì có thể sẽ có lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận định mức quy định (300 đồng/lít,kg).”

Theo đại diện của Bộ tài chính thì trong thời gian tới, Liên Bộ Tài chính-Công Thương tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thực hiện nhất quán chủ trương điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và các văn bản của Chính phủ sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Việc điều hành giá có tăng, có giảm tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới, tuy nhiên để bình ổn giá xăng dầu trong nước rất cần chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về giá, Quỹ Bình ổn giá, trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức của doanh nghiệp trong cơ cấu giá cơ sở nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bình ổn giá cả thị trường; đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục