Thi vào Học viện Báo chí-Tuyên truyền thêm môn năng khiếu

Thi đầu vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền thêm môn năng khiếu

Năm 2015, thí sinh dự tuyển vào nhóm ngành báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ phải làm bài kiểm tra môn Năng khiếu báo chí. Đây là điểm khác biệt nhất trong kỳ thi 2015 của trường.
Thi đầu vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền thêm môn năng khiếu ảnh 1Thí sinh làm thủ tục dự thi đại học. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
 

Năm 2015, thí sinh dự tuyển vào nhóm ngành báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ phải làm bài kiểm tra môn Năng khiếu báo chí. Đây là điểm khác biệt nhất trong đề án tuyển sinh năm 2015 của trường này.

Thi Năng khiếu báo chí

Bài thi này chỉ áp dụng với thí sinh thi vào nhóm ngành Báo chí. Bài thi năng khiếu gồm hai phần, thi trắc nghiệm và thi tự luận, thời gian làm bài là 150 phút. Thời gian thi năng khiếu dự kiến là ngày 9/7/2015, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phần thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức một số môn học phù hợp với ngành đăng ký dự thi của thí sinh, thời gian làm bài là 60 phút. Phần này chiếm 40% trọng số của bài thi. Phần thi tự luận dài 90 phút, chiếm tỷ trọng 60% điểm số của bài thi Năng khiếu.

Theo Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trương Ngọc Nam, hiện trường vẫn chưa chốt các vấn đề cụ thể của bài thi này như định dạng đề, phạm vi nội dung kiến thức… Sắp tới, trường sẽ mời các chuyên gia giáo dục, văn học, các nhà báo kỳ cựu, các giáo viên… để cùng ngồi lại bàn thảo kỹ về vấn đề này và sớm công bố định dạng đề để thí sinh biết.

Lý giải việc có hai phần thi với phương thức thi và tỷ trọng điểm khác nhau, ông Nam cho biết, phần thi trắc nghiệm nhằm kiểm tra kiến thức nền tảng của thí sinh, phần thi tự luận thể hiện năng lực quan sát các vấn đề thực tế cũng như khả năng tư duy, diễn đạt, trình bày vấn đề của các em.

"Thi và chấm tự luận không tránh khỏi yếu tố chủ quan của người chấm nên phần trắc nghiệm sẽ cân đối lại yếu tố này. Mặt khác, không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tiếp xúc để thể hiện được năng khiếu báo chí nên phần thi trắc nghiệm sẽ tạo thêm cơ hội đỗ cho các em,” ông Nam nói.

Bài thi Năng khiếu báo chí không hoàn toàn mới với Học viện Báo chí và Tuyên truyền bởi từ năm 2003 trở về trước, trường vẫn tổ chức bài thi này khi tuyển sinh. Theo Giám đốc Học viện Trương Ngọc Nam, việc yêu cầu thí sinh thi môn Năng khiếu báo chí góp phần tuyển chọn thí sinh đủ năng lực học tập tốt theo mục tiêu đào tạo của ngành, mặt khác sẽ hạn chế số lượng hồ sơ ảo. “Những thí sinh tham dự bài thi này là những thí sinh thực sự có nguyện vọng theo học tại trường,” ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, phương án này có nhược điểm là thí sinh vẫn phải trực tiếp đến trường để làm thêm một bài kiểm tra còn nhà trường không lấy được nguyện vọng bổ sung đối với ngành Báo chí từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp không tuyển đủ chỉ tiêu, trường sẽ tính đến việc tổ chức thêm kỳ thi Năng khiếu để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

“Sinh viên hiện nay học theo tín chỉ chứ không theo niên chế khuôn cứng như trước. Vì thế, việc vào học cũng không nhất thiết phải đồng loạt,” ông Nam phân tích.

Thi đầu vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền thêm môn năng khiếu ảnh 2Phóng viên tác nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Mở rộng tổ hợp môn thi

Bên cạnh việc khôi phục bài thi Năng khiếu báo chí, có khá nhiều điểm mới so với kỳ tuyển sinh các năm trước như về tổ hợp môn thi, ngưỡng xét tuyển hồ sơ.

Cụ thể, thí sinh tham dự xét tuyển phải có kết quả xếp loại học lực hai học kỳ lớp 11 và học kỳ một lớp 12 từ trung bình khá trở lên, hạnh kiểm ba học kỳ này đạt từ loại khá trở lên. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh phải xếp loại trung bình khá trở lên.

Không quy định cứng các môn xét tuyển theo khối thi như những năm trước, các môn xét tuyển năm 2015 khá linh động, tùy theo từng nhóm ngành, gồm môn bắt buộc và môn tự chọn.

Nhóm một là ngành Báo chí, môn bắt buộc là ngữ văn và Năng khiếu báo chí. Thí sinh tự chọn một trong các môn toán, lịch sử, tiếng Anh.

Nhóm hai gồm các ngành Triết học, Kinh tế, Lịch sử, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Xuất bản, Xã hội học, Công tác xã hội. Với nhóm ngành này, môn bắt buộc là ngữ văn và toán, thí sinh chọn một trong các môn lịch sử, địa lý, tiếng Anh.

Nhóm ba gồm các ngành Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh. Các môn bắt buộc gồm ngữ văn và tiếng Anh, trong đó điểm môn tiếng Anh sẽ nhân hệ số 2. Thí sinh chọn thêm một trong các môn toán, lịch sử, địa lý để xét tuyển.

Trường xác định điểm chuẩn theo nhóm ngành, lấy từ cao xuống thấp. Trong trường hợp có nhiều thí sinh có điểm bằng nhau sẽ xét tuyển thí sinh có điểm môn ưu tiên cao hơn. Môn ưu tiên với nhóm một là Năng khiếu báo chí. Nhóm 2 và 3 dựa trên điểm trung bình chung ba học kỳ (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ một lớp 12), trong đó môn ưu tiên của nhóm 2 là lịch sử, của nhóm 3 là tiếng Anh.

Theo Giám đốc Học viện Trương Ngọc Nam, việc có thêm vòng sơ tuyển nhằm giúp trường đánh giá được sơ bộ về năng lực, phẩm chất của thí sinh. Việc mở rộng tổ hợp môn thi vừa giúp thí sinh có thêm cơ hội xét tuyển vào trường, vừa giúp trường mở rộng nguồn tuyển để có thể nâng cao chất lượng đầu vào.

“Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện để có thể công bố chi tiết hơn nữa đề án tuyển sinh năm 2015 của trường đến thí sinh,” ông Nam nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục