Tuổi 70 của Hawking

Thiên tài Stephen Hawking mừng sinh nhật 70 tuổi

Thiên tài người Anh, người bị mắc chứng liệt nơ-ron thần kinh vận động từ năm 21 tuổi Stephen Hawking vừa mừng sinh nhật 70 tuổi.
Khoa học gia vĩ đại người Anh Stephen Hawking đã mừng sinh nhật 70 tuổi của ông vào ngày Chủ Nhật vừa qua, một độ tuổi rất hiếm thấy với người mắc chứng liệt nơ-ron thần kinh vận động như ông.

Khi Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh này năm 21 tuổi, các bác sĩ cho rằng ông chỉ còn sống được vài năm nữa. Nhưng bất chấp việc phải sống gần như cả đời trên xe lăng và chỉ có thể nói chuyện qua một chiếc máy tính, nhà vật lý học lý thuyết xuất chúng này vẫn làm việc chăm chỉ và những đóng góp xuất sắc của ông trong lĩnh vực thiên văn học và vũ trụ học đã biến Hawking thành một trong những khoa học gia được ngưỡng mộ nhất trên thế giới.

“Tôi chắc chắn rằng việc tôi tàn phế có đóng góp vào việc tôi trở nên nổi tiếng,” Hawking nói. “Nhiều người ấn tượng bởi sự đối lập giữa sức mạnh thể chất rất giới hạn của tôi, và vũ trụ rộng lớn mà tôi nghiên cứu.”

Ăn mừng sinh nhật của mình, Hawking đã có bài phát biểu với bạn bè và đồng nghiệp, cũng như chủ tọa một cuộc hội thảo chuyên đề về vũ trụ tại Đại học Cambridge, nơi ông đã làm việc nhiều thập kỷ qua.

Phần lớn đóng góp của Hawking tập trung vào các lĩnh vực vật lý lý thuyết như tính tương quan giữa không gian và thời gian hay thuyết lượng tử để giải thích sự kiến tạo, hình thành và phát triển của vũ trụ.

Năm 1974, ở tuổi 32, Hawking trở thành thành viên trẻ nhất trong Hội khoa học hoàng gia danh tiếng lẫy lừng của Anh. Năm năm sau, ông được phong hàm giáo sư toán học Lucas ở đại học Cambridge, cương vị học thuật được coi là uy tín nhất thế giới từng do Isaac Newton nắm giữ.

Danh tiếng của ông đi ra ngoài giới học thuật vào năm 1988 với tác phẩm "A Brief History of Time" (Lược sử thời gian, đã dịch ra tiếng Việt) giải thích bản chất của vũ trụ cho những người không phải là nhà khoa học. Cuốn sách bán được hàng triệu bản trên toàn cầu.

Cương vị khoa học của Hawking càng được khẳng định khi những bộ phim như "Star Trek" xây dựng bối cảnh vũ trụ dựa trên các ý tưởng của ông. Tuy nhiên, tuổi tác đang khiến ông ngày càng yếu đi và ngay việc nói qua một chiếc máy tính giờ cũng rất khó khăn.

“Ông ấy nói ngày càng chậm hơn và trong một ngày xấu, ông ấy chỉ có thể nói khoảng một từ mỗi phút,” trợ lý của Hawking, Judith Croasdell, nói với báo Anh Daily Telegraph. “Chúng tôi cho rằng điều này là do các cơ gò má của ông không còn vận động tốt nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện điều này và ông ấy cần những công nghệ mới.”

Martin Rees, cựu chủ tịch Hội khoa học hoàng gia Anh, bạn đồng khóa với Hawking, cho rằng việc ông sống lâu được như vậy là một phép màu. Rees thừa nhận lúc họ mới gặp “người ta cho rằng ông ấy không thể sống tới lúc hoàn tất luận án tiến sĩ.”

Tuy nhiên, Rees muốn nhấn mạnh những đóng góp của Hawking, chứ không phải cương vị một khoa học gia ngôi sao, mới là di sản vĩnh cửu. “Danh tiếng của ông ấy không nên che khuất những đóng góp của ông ấy cho khoa học vì dù hầu hết các nhà khoa học không nổi tiếng như ông ấy, Stephen chắc chắn đã làm được nhiều hơn bất cứ ai kể từ khi Einsteins thay đổi quan điểm của chúng ta về vũ trụ.”

Hawking mới 21 tuổi khi ông bị chẩn đoán mắc chứng teo cơ vì tê liệt thần kinh vận động. Brian Dickie, giám đốc nghiên cứu tại Hội MND, nói những người bị bệnh này không sống được quá 5 năm. “Việc Stephen Hawking sống được gần 50 năm khiến ông ấy là một ngoại lệ,” Dickie nói.

Hawking thừa nhận mình như “một nhân vật trong tiểu thuyết bi kịch” khi bị chẩn đoán bệnh này, nhưng ông vẫn hăng say làm việc và nhận bằng tiến sỹ ở Cambridge, rồi cưới Jane Wile và có ba đứa con.

Giáo sư Kip Thorne, một nhà vật lý lý thuyết uy tín người Mỹ có bài phát biểu trong hội thảo do Hawking chủ trì hôm Chủ nhật, nói chứng bệnh đã càng khiến Hawking thêm quyết tâm làm việc. “Khi Stephen không còn có thể sử dụng tay để viết, ông ấy đã tự đào tạo mình phải học và nhớ được các bản đồ vũ trụ phức tạp và những lý thuyết rắc rối trong não,” Thorne nói. “Khả năng đó giúp ông tìm ra giải pháp cho những vấn đề vật lý khó khăn mà không ai giải quyết được, và có lẽ chính ông ấy cũng không làm được nếu không có những kỹ năng mới này.”

Sinh nhật Hawking còn được kỷ niệm bằng một buổi triển lãm những thành tựu của ông tại Bảo tàng khoa học London ngày 20/1 tới./.

Hải Minh (AFP/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục