Thiên táng - hủ tục của người Giẻ Triêng ở Kon Tum

Tập tục “táng treo” - không chôn người chết xuống đất của người Giẻ Triêng ở tỉnh Kon Tum đã biến tướng sang một “phiên bản” mới là "táng nổi".
Từ lâu, trong cộng đồng người Giẻ Triêng ở tỉnh Kon Tum đã có tập tục “táng treo”, tức là thiên táng - không chôn người chết xuống đất, mà chỉ đặt vào quan tài bằng gỗ rồi dùng dây treo vào những cành cây lớn, hoặc đặt trên giá gỗ đục sẵn, sau đó cứ để như vậy cho đến khi quan tài và người chết mục rữa, tan biến.

Đến nay, sau nhiều nỗ lực vận động của các cơ quan chức năng địa phương, hủ tục này cơ bản đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, nó lại biến tướng sang một “phiên bản” mới là "táng nổi".

Theo già làng A Jáp, ở thôn Vai Trang, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, từ xa xưa, người Giẻ Triêng đã có quan niệm rằng, vùi người chết xuống đất là không thương người chết và sẽ bị “con ma” báo hại, làm cho người nhà bị đau ốm, hoặc gặp tai nạn và phải chết theo.

Vì thế, khi trong gia đình có người chết thì người nhà phải tự lo liệu lấy việc mai táng. Họ rất kỵ để người ngoài đến gần “con ma”. Hàng xóm chỉ đến ngồi ở gian khách thăm hỏi, hoặc giúp đỡ một số công việc gì đó cho tang chủ rồi về, tuyệt đối không được vào nhìn mặt hoặc chạm tay vào “con ma”…

Người Giẻ Triêng theo tập tục, mỗi làng có một nghĩa trang riêng để táng người chết. Nơi nào có nhiều cây gỗ lớn, âm u, tĩnh mịch, ít người qua lại, cách buôn làng vài ba cây số trở lên được chọn làm nghĩa địa.

Khi trong nhà có người chết thì anh em ruột thịt khiêng quan tài ra nghĩa trang trước, sau đó mới khiêng người chết tới, cho vào quan tài rồi treo lên cây hoặc để lên giá gỗ hay những kệ đá đã được chuẩn bị trước.

Họ cũng chia cho người chết một ít của nả như chiêng, ché, bầu nước, xà gạc, gạo, bắp... để người chết có đủ điều kiện “ở riêng” không về quấy nhiễu người sống.

Sau đó người ta không phải đi thăm mộ người chết nữa vì “vào thăm mộ dễ làm con ma thức dậy trở về bắt tội người nhà...”.

Thiên táng rõ ràng là một tập tục rất lạc hậu, vì nó dễ phát tán các bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm, gây ô nhiễm môi trường cả một vùng rộng lớn...

Theo Trung tá Hoàng Văn Bằng, Chính trị viên Đồn biên phòng Đắk Long, từ thời chống Pháp, chống Mỹ, rất nhiều cán bộ cách mạng sống chung với đồng bào Giẻ Triêng, ngoài nhiệm vụ tổ chức vận động đồng bào đánh giặc, còn vận động bà con bỏ dần hủ tục này.

Đặc biệt, từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các cuộc vận động xây dựng nếp sống mới trong nông thôn miền núi được triển khai nên tập tục này hầu như đã vắng bóng trong cuộc sống của cộng đồng người Giẻ Triêng ở Kon Tum.

Tuy nhiên, đầu năm 1999, trong chuyến công tác tại xã Đắk Long, huyện Đắk Glei một số cán bộ của Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã tình cờ được chứng kiến một “nghĩa trang” thiên táng của dân làng Vai Trang.

Ban đầu nhóm cán bộ này bị già làng cản không cho vào xem nghĩa trang, vì sợ “khuấy động sự bình yên của con ma, con ma sẽ về bắt tội dân làng”. Sau gần một buổi thuyết phục, già làng mới đồng ý cho họ vào xem với điều kiện: “Không được lại gần con ma, không được lấy gì ra khỏi nghĩa trang”.

Cũng theo Trung tá Hoàng Văn Bằng, nghĩa trang này nằm ở phía tây của làng, cách làng 2 cây số. Đây là một khu rừng già âm u, tĩnh mịch. Bước chân vào đây người ta lập tức có ngay cảm giác ớn lạnh, rờn rợn bởi trước mắt hiện lên hàng chục cỗ quan tài, mới có, cũ có, cái gác trên cây, cái kê trên đá, có cái giá gỗ đã gãy nằm bệt giữa đất, có cái áo quan đã mục phơi ra những cái xương tứ chi, xương sọ trắng hếu…

Tuy nhiên, như trên đã nói, việc mai táng treo không chôn xuống đất đã được dân làng Vai Trang từ bỏ nhiều năm nay, sau khi được các cấp chính quyền tuyên truyền vận động.

Theo lời ông A Nhôm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk Long thì từ khi bộ đội biên phòng cùng xã Đắk Long vận động, bà con không treo quan tài trên cây nữa. Những ngôi mộ treo cũ đã theo thời gian mà mục nát.

Năm ngoái cả “rừng ma” chỉ còn 11 cái quan tài treo, nhưng vụ cháy rừng vừa rồi đã thiêu hết cả. Song, giờ đây người Giẻ Triêng lại chuyển sang một hướng mới là thi nhau xây dựng các phần mộ bằng bê tông, mái lợp tôn, được đắp nổi.

Khi có người chết, chỉ việc mang quan tài ra đặt vào đó, rồi lấy nắp được đổ bê tông bằng ximăng đậy lại. Như vậy, quan tài hoàn toàn không hề nằm dưới lòng đất mà vẫn nổi ở phía trên mặt đất.

Có thể nói, tục “táng treo” - thiên táng vẫn chưa được xóa bỏ triệt để mà thực chất mới chỉ được “làm giảm” những yếu tố gây hại về mặt vệ sinh, môi trường mà thôi. "Phiên bản” mới của tục thiên táng lại “bám rễ” trong đời sống của một bộ phận người Giẻ Triêng ở Kon Tum.

Đây là một hủ tục lạc hậu, không văn hóa và khoa học, mà chỉ có hại cho sức khỏe con người sinh sống gần nơi thiên táng và gây ô nhiễm môi trường./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục