Thiệt hại 500 tỷ USD mỗi năm vì biến đổi khí hậu

Trì hoãn chống biến đổi khí hậu, mỗi năm thế giới sẽ thiệt hại thêm ít nhất 500 tỷ USD để cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 12/11 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tận dụng cơ hội lịch sử tại Hội nghị cấp cao chống biến đổi khí hậu, dự kiến được tổ chức ở Copenhaghen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới, hành động nhanh chóng để đối phó với thảm họa này.

IEA cho rằng nếu hành động chống biến đổi khí hậu bị trì hoãn, mỗi năm thế giới sẽ thiệt hại thêm ít nhất 500 tỷ USD chỉ để cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.

Giám đốc điều hành IEA, Nabuo Tanaka, nhấn mạnh báo cáo hàng năm của IEA về "Triển vọng năng lượng thế giới" trong năm 2009 ("WEO-2009") sẽ là cơ sở để thúc đẩy các cuộc thương lượng trong giai đoạn then chốt hiện nay, nhằm thống nhất các biện pháp thực tiễn cần thiết để sử dụng năng lượng bền vững - một trong những yêu cầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, WEO-2009 còn đưa ra những cảnh báo và triển vọng trong việc sử dụng bền vững năng lượng. IEA khẳng định nếu tiếp tục xu hướng sử dụng năng lượng như hiện nay, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng tới 6 độ C, gây nguy hại nghiêm trọng tới an ninh năng lượng thế giới.

Vì vậy, thế giới phải tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để tránh biến đổi khí hậu nghiêm trọng trong khi tiếp tục tăng cường an ninh năng lượng.

WEO-2009 nhấn mạnh thế giới vẫn có khả năng ngăn chặn biến đổi khí hậu, song cần có những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực năng lượng. Thế giới cần thực hiện chiến lược “Phát triển xanh” về năng lượng, theo đó, sử dụng hiệu quả năng lượng có thể chiếm tới 50% tổng lượng khí thải phải giảm vào năm 2030.

Chi phí năng lượng của các ngành vận tải, xây dựng và công nghiệp toàn cầu cũng sẽ giảm tới 8.600 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2030.

Hiện công nghệ năng lượng thải khí cácbon thấp từ năng lượng tái sinh với tổng đầu tư 10.500 tỷ USD cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng chiếm tới 60% nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Chi phí này được hoàn lại từ hiệu quả kinh tế-xã hội, an ninh năng lượng và y tế trong khi thế giới tránh được biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Cũng trong ngày 12/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia trên thế giới nhận lời mời của Thủ tướng Đan Mạch Lar Lokke Rasmussen tham dự Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, được tổ chức vào ngày 17-18/12 tại Copenhaghen.

Ông cho rằng sự tham gia trực tiếp của các nhà lãnh đạo thế giới rất cần thiết cho việc đạt được thỏa thuận về một loạt vấn đề trọng tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Cùng ngày, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc gia ở Colorado (Mỹ) đã công bố thêm một dấu hiệu cho thấy Trái Đất đang ấm dần lên. Kết quả nghiên cứu của trung tâm này cho thấy, trong một thập kỷ qua, thời gian nhiệt độ tăng cao nhất ở Mỹ nhiều gấp đôi so với thời gian nhiệt độ xuống thấp nhất.

Các nhà khoa học cho biết nếu khí hậu không nóng lên, thời gian nhiệt độ tăng cao nhất sẽ bằng thời gian nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2000 đến ngày 30/9/2009, Mỹ ghi nhận hơn 291.000 lần nhiệt độ lên mức cao kỷ lục, trong khi chỉ có hơn 142.400 lần nhiệt độ xuống mức thấp kỷ lục.

Do đó, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, tỷ lệ chênh lệch giữa nền nhiệt độ cao và thấp trong những thập kỷ tới sẽ ngày một gia tăng.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Utrecht, Hà Lan, đăng trên tạp chí "Khoa học" ("Sience") của Mỹ, cho thấy khối lượng băng tan tại vùng Greenland đang gia tăng, kéo theo mực nước biển dâng nhanh chóng.

Nghiên cứu trên chỉ rõ băng tan nhanh nhất trong giai đoạn từ năm 2006-2008, làm mực nước biển mỗi năm dâng trung bình 0,75mm, cao hơn nhiều so với mức 0,46 mm trong giai đoạn từ năm 2000-2008.

Trước đó, năm 2007, Cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự đoán mực nước biển thế giới có thể tăng thêm từ 18-59cm vào năm 2100./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục