Thiếu hụt cán bộ quản lý báo chí, xuất bản

Tại Hội thảo khoa học quốc gia về Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí - xuất bản theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa được Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, vấn đề thiếu hụt nhân sự quản lý báo chí, xuất bản có trình độ nghiệp vụ đã được các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra thảo luận.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia về Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí - xuất bản theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa được Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, vấn đề thiếu hụt nhân sự quản lý báo chí, xuất bản có trình độ nghiệp vụ đã được các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra thảo luận.

Hụt hẫng cán bộ quản lý báo chí

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, nhân sự quản lý báo chí đang thiếu hụt trầm trọng và thường bị hụt hẫng khi phải điều chuyển ngang cán bộ từ lĩnh vực khác sang ngành này. Trong cơ quan báo chí, khi tìm nhân sự mới thay thế ở vị trí quản lý hết sức khó khăn.

Theo một điều tra hẹp của TS. Nguyễn Thị Thoa, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 50 cán bộ quản lý báo chí thì chỉ 24% có trình độ lý luận nghiệp vụ báo chí đại học chính quy, 36% là đại học tại chức, 8% chỉ học qua các lớp bồi dưỡng trên dưới một tháng và 28% chưa hề qua đào tạo bồi dưỡng về báo chí.

Cùng về vấn đề này, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng: “Đã là cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí thì phải biết nghề, trưởng thành từ phóng viên”. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, hiện cả nước có 16.000 nhà báo được cấp thẻ, nhưng trong đó chỉ có 25% là được đào tạo từ các trường, khoa báo chí. Như vậy, việc các cán bộ quản lý báo chí không có trình độ lý luận nghiệp vụ báo chí là khó tránh khỏi.

Ngược trở lại vấn đề đào tạo, PGS.TS. Hoàng Đình Cúc, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thừa nhận 25% là con số đáng buồn và phải suy nghĩ. Từng có nhiều năm đảm nhiệm cương vị Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ông Tạ Ngọc Tấn khẳng định muốn thay đổi chất lượng đào tạo thì trước hết phải thay đổi tư duy đào tạo; đào tạo sinh viên báo chí là dạy làm nghề chứ không phải dạy kiến thức nền tảng của nghề mà tách rời thực tiễn.

Song, để đào tạo báo chí gắn với thực tiễn cũng là cả thách thức lớn. “Đào tạo thực hành nghề báo là là vô cùng khó khăn và đắt đỏ. Phải có các phương tiện kỹ thuật như máy ảnh, máy tính, studio cho phát thanh - truyền hình, trả tiền cho người dạy. Phóng viên đi làm một phóng sự được trả nhuận bút hàng triệu đồng trong khi mời họ vào dạy, trường chỉ trả được 18.000 hay 20.000 đồng một tiết. Cũng không thể nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo nếu cứ áp dụng cơ chế quản lý bao cấp từ chương trình, tài chính, tuyển sinh như hiện nay”, ông Tấn nói.

Xuất bản: chỉ 10% biên tập viên có trình độ chính quy

Lĩnh vực xuất bản cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 56 nhà xuất bản với hơn 5.000 nhân sự, trong đó có hơn 1.200 biên tập viên. Mặc dù tổng số nhân sự của ngành năm 2008 tăng 9% so với năm 2007, nhưng số biên tập viên lại giảm 1% so với 2007 và giảm 4% so với năm 2006. “Điều này cho thấy các biên tập viên không mặn mà với công việc của mình”, ông Kiểm nhận định.

Cũng theo ông Kiểm, trong số biên tập viên, chỉ có hơn 10% được đào tạo tại khoa Xuất bản, Học viện báo chí Tuyền truyền và gần 50% đã qua bồi dưỡng kiến thức hàng năm. Đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản, tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều.

Ở một số cơ quan chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản như Cục Xuất bản, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và chuyên viên đã kinh qua hoạt động thực tiễn về báo chí, xuất bản từ 5 năm trở lên không cao. Tỷ lệ này đối với cán bộ ở cuơng vị lãnh đạo các nhà xuất bản, cơ quan báo chí, cơ sở in, phát hành lại càng ít hơn.

Trong khi thiếu trình độ nghiệp vụ nhưng có một thực trạng là các cán bộ quản lý rất ngại đi học. Để khắc phục tình trạng này, ông Kiểm cho biết, Vụ Xuất bản đang xây dựng quy chế bổ nhiệm cán bộ quản lý, trong đó sẽ đưa việc yêu cầu đi học nghiệp vụ là một tiêu chí bắt buộc.

Nguồn nhân sự cho lĩnh vực này đang thiếu hụt ngay ở khâu đào tạo. Theo ông Hoàng Đình Cúc, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành xuất bản luôn thấp hơn các ngành khác. Số lượng đăng ký theo học cao học càng ít hơn. Để “kéo” người học trình độ thạc sĩ, trường đã phải thay đổi tiêu chí tuyển sinh, từ yêu cầu phải có bằng đại học chuyên ngành xuất bản như trước đây, trường chỉ yêu cầu thí sinh có 3 năm kinh nghiệm làm xuất bản./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục