Thiếu khí, ngành điện lo "gánh" thêm 18.000 tỷ đồng

Với dự báo thiếu 1 tỷm3 khí, chi phí của các nhà máy điện sẽ "đội" thêm 18.000 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện năm 2012.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, nếu được cung cấp đủ lượng khí thì bài toán thiếu điện năm 2012 sẽ cơ bản giải quyết được.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng Mười Một và triển khai nhiệm vụ tháng Mười Hai do Bộ tổ chức sáng 5/12, tại Hà Nội.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2012 tăng trưởng điện sản xuất là 11,7% và điện thương phẩm là 13,6%, cao hơn năm 2011 khoảng 3 điểm %.

Tuy nhiên, báo cáo mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) gửi Bộ Công Thương mới đây thì năm 2012 khả năng sẽ thiếu gần 1 tỷ mét khối khí buộc các nhà máy nhiệt điện phải chuyển sang chạy dầu.

Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ cũng tỏ ra lo ngại khi chi phí của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bị đội lên gần 18 nghìn tỷ đồng nữa.

“Với mức chi phí tăng thêm như vậy thì không giá điện nào cũng như không có khả năng nào về tài chính mà EVN có thể gánh nổi,” Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Ông Vượng cũng cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN làm việc với các chủ mỏ khí để có thể đáp ứng từ 6,5-6,6 tỷ mét khối khí trong năm 2012 và khả năng này đã được thực hiện trong các năm 2009 và 2010.

Theo lý giải của lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam, việc cung cấp khí luôn có sự phối hợp giữa PVN và EVN để đảm bảo nguồn.

Nhưng hiện có hai nguồn cấp khí cho các nhà máy điện là Nam Côn Sơn-Bạch Hổ và PM3 Cà Mau và thực tế là giá của hai nguồn này cũng khác nhau.

“Hầu như EVN chỉ huy động khí từ nhà máy Nam Côn Sơn-Bạch Hổ, trong khi nguồn ở PM3 Cà Mau lại nhiều hơn nhưng lại ít huy động nên chưa đạt được yêu cầu đề ra,” ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc PVN bày tỏ.

Lãnh đạo PVN cũng đề nghị Bộ Công Thương có kế hoạch để cân đối được hai nguồn cung cấp khí này, tránh để tình trạng khai thác quá nhiều ở một nơi vì việc cung cấp khí còn phục vụ chung cho các công trình khác như đạm, khí thắp áp và việc cân đối chung của cả tập đoàn.
 
Kết luận những vấn đề trên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện thủy văn thuận lợi thì EVN giảm công suất các nhà máy nhiệt điện chạy khí, nhưng về lâu dài cần có sự thỏa thuận và giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Riêng về thị trường phát điện cạnh tranh dự kiến đi vào vận hàng chính thức vào 1/01/2012, qua hơn 4 tháng thí điểm (từ 1/7/2011) đã phần nào thấy được những ưu khuyết điểm để khắc phục, "Nếu chưa đủ điều kiện có thể kiến nghị lùi lại đến cuối quý I/2012 để chính thức đi vào vận hành," Bộ trưởng nói.

Liên quan đến cung cấp điện cho Hà Nội, theo dự báo 2012 thì thành phố sẽ đứng trước nguy cơ thiếu điện do nhiều dự án triển khai đều bị chậm tiến độ, thậm chí nhiều dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể hoàn thành vì chậm giải phóng mặt bằng.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết Thành phố Hà Nội đã có cuộc họp với lãnh đạo EVN và tập trung vào 2 vấn đề là mặt bằng và vốn.

Trong đó đi đến thống nhất, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng và lãnh đạo thành phố cũng đồng ý cho EVN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 0% để triển khai tiếp các dự án và công trình điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, mười một tháng sản xuất điện ước đạt 86,8 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ, nhưng điện mua từ Trung Quốc lại giảm 8% so với cùng kỳ năm 2010 do nước về các hồ thủy điện nhiều hơn và việc phát điện cũng ổn định.

Để đảm bảo điện cho năm 2012, nhất là các tháng cao điểm mùa khô thì EVN đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung việc tích nước cho các hồ thủy điện và đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ ngày 12 tháng 11 nhà máy điện Nhơn Trạch 2 chính thức phát điện thương mại và cung cấp cho lưới điện gần 180 triệu kWh.

Ngoài ra, tổ máy số 4 nhà máy Thủy điện Sơn La hòa lưới thêm 400 MW vào cuối tháng 12/2012 sẽ giúp giảm bớt nỗi lo thiếu nguồn.

“EVN sẽ đảm bảo tích nước tối đa phục vụ mùa khô năm sau, dự kiện năm 2012 điện thương phẩm tăng 13,6% thì EVN cố gắng đảm bảo điện cho nền kinh tế,” Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay./.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục