Thiếu lương thực - vấn nạn báo động tại châu Phi

Bất chấp nỗ lực của quốc tế và chính phủ tăng cường viện trợ và nhập khẩu lương thực, hiện vẫn có tới 1/3 dân số châu Phi bị thiếu ăn.
Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc (ECA) cảnh báo bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế và chính phủ tăng cường viện trợ và nhập khẩu lương thực, hiện vẫn có tới 1/3 dân số châu Phi bị thiếu ăn trầm trọng.

Thiếu lương thực vẫn là một vấn nạn đáng báo động tại lục địa đen cho dù mỗi năm các nước chi khoảng 33 tỷ USD cho nhập khẩu lương thực cùng khoản viện trợ 3 tỷ USD.

Đó là phát biểu của ông Josue Dione, Giám đốc Cơ quan An ninh lương thực và phát triển bền vững của ECA đưa ra tại phiên bế mạc hội nghị nông nghiệp châu Phi ở Abuja, Nigeria ngày 11/3.

Theo ông, giải pháp lâu dài cho vấn đề này là cùng với viện trợ và nhập khẩu, các nước châu Phi cần tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, chú trọng tới sản xuất lương thực trong nước.

Ông nhấn mạnh đây là hướng đi đúng giúp châu Phi đẩy mạnh cuộc chiến chống đói nghèo và góp phần cải thiện vị thế của châu lục trong hệ thống kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Giám đốc Dione cảnh báo sản xuất nông nghiệp ở châu Phi gặp không ít khó khăn do thiếu nước trầm trọng và chất lượng đất canh tác thấp.

Hiện hệ thống tưới tiêu chỉ đáp ứng được không đầy 4% diện tích đất canh tác, con số này của châu Á-Thái Bình Dương là 33% và Trung Đông là 29%.

Ngoài ra, mỗi hécta đất nông nghiệp tại châu Phi chỉ nhận được trung bình 14,6 kg phân hóa học, so với mức hơn 114kg ở các nước đang phát triển.

ECA cho biết tỷ trọng của châu Phi trong buôn bán nông nghiệp toàn cầu đã liên tục giảm từ 15% trong những năm 1960 xuống còn 5,4% trong thập niên 1980 và chỉ còn 3,2% trong năm 2006.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là thế giới đã chuyển từ xuất nhập khẩu nông sản thô sang thực phẩm chế biến và châu Phi không bắt kịp xu thế này.

Xuất phát từ thực tế này, ECA khuyến cáo các nước lục địa đen điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời hình thành các mạng khu vực chuyên môn hóa quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu lương thực, thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục