Thiếu tuyên truyền, Hà Nội bí đầu ra cho rau an toàn

Một trong những nguyên nhân bí đầu ra cho rau an toàn là thiếu công tác tuyên truyền để kết nối nhu cầu của người dùng với sản phẩm.
Nhiều bà con trồng rau an toàn cũng như các nhà quản lý khi được hỏi về việc tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội đều chung ý kiến rằng đầu ra ổn định cho rau an toàn vẫn khó khăn.

Trong thời gian qua, Hà Nội rất chú trọng đến đầu ra cho sản phẩm này, trong đó đã xây dựng được 300 điểm phân phối rau an toàn, 15 doanh nghiệp và 25 hợp tác xã tham gia sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Tuy nhiên, số lượng rau được tiêu thụ tại các điểm phân phối này vẫn còn thấp so với sản lượng rau an toàn do bà con sản xuất.

Hiện nay, bà con mới chỉ tiêu thụ được 30% sản phẩm rau an toàn qua các kênh như Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Hà Nội; cửa hàng rau an toàn Tâm Đạt; một số khách hàng tại chợ đầu mối Phương Viên; các bếp ăn tập thể ở Hà Đông. Số còn lại bà con vẫn phải tự tiêu thụ thông qua các thương lái.

Đối với sản phẩm đã có thương hiệu như rau Vân Nội, với hơn 200ha trồng rau an toàn cùng 12 hợp tác xã giám sát chất lượng rau rất chặt chẽ mà xã viên cũng vẫn phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo lý giải của các chuyên gia nông nghiệp thì một trong những nguyên nhân vẫn bí đầu ra cho sản phẩm rau an toàn là khi chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn lập dự án mới chỉ chú trọng đến xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất nhưng lại bỏ qua công đoạn quan trọng nhất là tuyên truyền, vận động, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người tiêu dùng biết và tìm đến sản phẩm của các hợp tác xã rau an toàn uy tín.

Ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, cho biết rau an toàn tại hợp tác xã Đại Lan đã được gắn tem nhận diện, tuy nhiên việc tiêu thụ ổn định qua siêu thị và các doanh nghiệp là rất ít.

Ngoài ra, dù được quy hoạch vùng rau rau an toàn nhưng mỗi hộ sở hữu một thửa ruộng riêng, bình quân mỗi hộ chỉ 2 sào nên khó khăn cho việc quản lý, giám sát.

Đáng lưu ý, giá bán rau an toàn tại các siêu thị, cửa hàng vẫn cao do chịu nhiều chi phí trung gian, chưa hấp dẫn người mua. Hầu hết người trồng rau an toàn vẫn phải tự bươn chải để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc dán tem nhận diện rau an toàn tạo thuận lợi cho cả người tiêu dùng và các hộ sản xuất nhưng hiện số lượng khách hàng tin tưởng vào tem nhận diện rau an toàn vẫn chưa nhiều.

Một khó khăn nữa trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm này là rất ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất vì việc đầu tư dây chuyền, nhà sơ chế... mất hàng tỷ đồng trong khi việc thu hồi vốn lại rất chậm, nhiều rủi ro.

Điển hình như Công ty Hương Cảnh đã đầu tư trên 7 tỷ đồng để xây dựng nhà sơ chế, khu sản xuất tại Văn Đức (Gia Lâm) nhưng đến nay cơ sở vẫn không hoạt động hết công suất. Lượng rau an toàn thu mua còn ít, hiệu quả thấp nên vẫn gặp nhiều khó khăn.

Để rau an toàn phát triển bền vững, ổn định đầu ra và thu nhập cho người nông dân, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời cần sớm có cơ chế trợ giá để đưa giá rau an toàn về bằng giá rau tại các chợ. Như vậy, cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng mới có thể yên tâm bán và sử dụng rau an toàn./.

P.A (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục