Thổ dân trên hòn đảo bí ẩn sẵn sàng bắn chết bất cứ ai tiếp cận

Một trong số ít ỏi những bộ tộc thổ dân còn sót lại từ thời đồ đá của thế giới đang sống trên một hòn đảo ở vịnh Bengal và sẵn sàng giết chết bất cứ kẻ nào dám tiếp cận.
Thổ dân trên hòn đảo bí ẩn sẵn sàng bắn chết bất cứ ai tiếp cận ảnh 1Một thổ dân cầm cung trên hòn đảo bí ẩn. (Nguồn: news.com.au)

Một trong số ít ỏi những bộ tộc thổ dân còn sót lại từ thời đồ đá của thế giới đang sống trên một hòn đảo ở vịnh Bengal và sẵn sàng giết chết bất cứ kẻ nào dám tiếp cận.

Những người dám đặt chân lên đảo Bắc Sentinel sẽ được những người đàn ông và phụ nữ thổ dân đón tiếp bằng giáo và cung tên, cùng một thông điệp bằng thứ ngôn ngữ lạ kỳ nhưng không thể nhầm lẫn: "Các người không được chào đón ở đây."

Những ai không lắng nghe lời cảnh báo đó sẽ phải chịu một kết cục bi thảm. Đã có hai ngư dân bắt cua bị người dân bộ tộc giết chết hồi năm 2006.

Đảo Bắc Sentinel có diện tích lớn gấp đôi đảo Norfolk, và được bảo phủ bởi rừng rậm cùng bờ cát trắng và những rặng san hô. Tuy thuộc chủ quyền Ấn Độ, nhưng chính phủ nước này đã phải thiết lập một vành đai cấm xâm nhập có bán kính 4 cây số quanh hòn đảo. Không một ai, từ khách du lịch, ngư dân đến nhân viên chính phủ được phép tiếp cận nơi đây.

Nhiều người quan tâm đến sự tồn vong của các bộ lạc cổ xưa tự hỏi liệu họ có thể sống mãi như vậy không. Câu trả lời của các chuyên gia là : “Cứ để yên cho họ.”

Tiến sỹ Devleena Ghosh tới từ Đại học Công nghệ Sydney, chuyên nghiên cứu về lịch sử và văn hoa khu vực Ấn Độ Dương cho biết, những người bộ lạc đang sống trên đảo Sentinel có thể tự lo ổn thỏa cho cuộc sống của mình.

“Họ đã tồn tại đến tận ngày nay với dân số khá ổn định. Họ bắt cá, ăn những quả dừa được sóng đánh dạt lên bờ và có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Nhưng cũng khó nói được điều kiện sống của họ thế nào, vì chưa ai có thể tiếp cận họ đủ gần để biết.”

Nhiều nhà khoa học đã cố gắng giải mã bí ẩn về bộ tộc này. Năm 1967, một đoàn tìm kiếm do chính phủ Ấn Độ thành lập đã tới hòn đảo. Những báo cáo sau này nói rằng người dân đảo đã trốn kỹ khỏi tầm mắt của những người lạ mới đến.

Nhiều cuộc khảo sát khác đã được thực hiện trong những năm tiếp theo, và sự thù địch cũng bắt đầu nổi lên. Trong thập niên 70, bất cứ người lạ nào lên đảo đều bị một trận mưa tên và giáo đuổi đi. Năm 1974, một nhà làm phim tài liệu đã bị một mũi tên dài gần 2,5m xuyên vào chân.

Trong những năm 1980-1990, chính phủ Ấn Độ đã tài trợ cho nhiều chuyến thám hiểm của nhà nhân chủng học T.N.Pandit. Ông đã cùng các đồng nghiệp đã để những trái dừa, dao, vải vóc , gương và dụng cụ nấu ăn, những vật dụng vô cùng xa lạ và xa xỉ với một bộ lạc đã trải qua suốt 60.000 năm không biết đến chúng. Tiến sỹ Ghosh cho biết cách làm này đã có hiệu quả, nhưng không dài lâu.

“Những người dân bộ lạc đã thể hiện rõ rằng họ không muốn có người lạ. Thậm chí, sự tiếp cận đầy thiện chí của Pandit cũng bị đáp trả bằng thái độ thù địch, khi một chiến binh cầm giáo chĩa vào ông như thể muốn nói “Giờ các người đi được rồi.”

Năm 2004, lo ngại rằng bộ lạc này đã bị trận sóng thần Boxing Day xóa sổ, chính phủ Ấn Độ đã cử một trực thăng đến kiểm tra. Những người dân bộ lạc đã cầm giáo đuổi những người tới trên trực thăng. Chỉ có duy nhất một bức ảnh được chụp từ trên cao là bằng chứng rõ ràng nhất về những cư dân của đảo Sentinel.

Năm 2006, hai ngư dân là Sunder Raj, 48 tuổi và Pandit Tiwari, 52 tuổi đã vô tình bị sóng đánh dạt vào hòn đảo khi đi bắt cua trái phép trong đêm. Những cư dân trên đảo đã nhanh chóng hành hình và chôn họ dưới cát.

“Khi trời sáng, những ngư dân khác đã cố gọi họ và nói họ đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên có lẽ đã say, họ không trả lời, và thuyền của họ trôi vào vùng nước nông. Họ bị tấn công và bị giết”, Samir Acharya, trưởng ban sinh thái xã hội quần đảo Andaman và Nicobar cho biết.

Tổ chức Survival International chuyên bảo vệ các bộ lạc cổ cho biết bộ lạc Sentinel là những người ít bị làm phiền nhất thế giới, và tin rằng họ là hậu duệ của những người nhập cư từ châu Phi.

“Có lẽ không bộ tộc nào trên Trái Đất lại sống một cuộc sống khép kín như người Sentinel. Việc ngôn ngữ của họ khác hẳn so với những người sống ở quần đảo Andaman cho thấy họ gần như không có liên hệ với thế giới bên ngoài trong suốt hàng ngàn năm.”

Tiến sỹ Ghosh cho biết những bộ lạc khác trong vùng đều đã chấp nhận có quan hệ với thế giới bên ngoài, và dân số của họ đã giảm đi. Bà cho rằng việc bộ lạc Sentinel sống cách biệt đã giúp họ tồn tại, và vì thế nên để cho họ được yên.

“Họ có rất ít liên hệ với thế giới bên ngoài. Vì thế, họ không có nguy cơ mắc những căn bệnh từ bên ngoài. Tôi nghĩ đó là lý do chúng ta nên để họ được yên."/. < br />

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục