Thơ haiku kiểu Việt - Nhiều vấn đề nhìn lại

Nếu nhìn lại hành trình của thơ haiku Việt, từ sự tiếp xúc đến tiếp biến và phát triển, quả thật có rất nhiều vấn đề để nhìn lại.
Ngày 15/11 tới đây, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh và báo "Tuổi trẻ" sẽ công bố kết quả cuộc thi thơ haiku Việt - Nhật lần 2, 2009.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại hành trình của thơ haiku Việt, từ sự tiếp xúc đến tiếp biến và phát triển, quả thật có rất nhiều vấn đề để nhìn lại.

Những dấu ấn đầu tiên


Ở Việt Nam người đầu tiên dịch thơ haiku (bài cú) Nhật ra tiếng Việt và xuất bản, có lẽ là Nguyễn Tường Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh, với hai tuyển tập "Hòa ca" (Sông Thao, 1971) và "Luyến ca" (Sông Thao, 1972).

Tuy nhiên, do ý định “làm chơi”, lại là một thể loại còn mới mẻ, nên hai tuyển tập này đã không tạo ra được nhiều tiếng vang thời bấy giờ.

Khoảng gần 15 năm sau, qua sự giới thiệu nhiệt tình của nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989), Nhật Chiêu đã công bố được những chùm thơ haiku dịch trên báo và tạp chí chuyên ngành, từ khoảng 1985.

Chính nhà thơ Chế Lan Viên, qua các bài viết đây đó, và ngay cả trong chùm thơ "Từ thế chi ca" (Bài ca từ biệt cõi đời), cũng đã cho độc giả thấy cách viết theo thể haiku, ví dụ: “Anh chỉ còn một nhúm xương tro trong bình/Em đừng khóc/Ngoài vườn hoa cỏ mọc”.

Đến nay nhìn lại, dù muộn hơn, nhưng vẫn có thể nói người đầu tiên đưa âm hưởng haiku vào Việt Nam có hệ thống và liên tục là nhà nghiên cứu - nhà văn Nhật Chiêu.

Nhật Chiêu đã có 5-6 đầu sách về văn học Nhật Bản, ví dụ "Basho và thơ haiku" (1994), "Thơ ca Nhật Bản" (1998), "3.000 thế giới thơm" (2007)... mà trong đó thơ haiku giữ địa vị khá quan trọng. Nhiều độc giả đã xem  "3.000 thế giới thơm" là một “cẩm nang” về thơ haiku.

Thơ haiku kiểu Việt Nam

Đến nay, thật khó để nói rằng có bao nhiêu bài thơ haiku Việt đã được làm ra, lướt qua các website, blog... thì cũng đủ biết là khá nhiều.

Riêng những tập thơ đã xuất bản từ năm 2000 đến nay, có thể kể "Chuồn chuồn nghiêng cánh" của Thiên Bảo, "Bài ca đom đóm" của Trần Nguyên Thạch, "Cúc rộ mùa hoa" của Đông Tùng, "Tươi mãi với thời gian" của Lưu Đức Trung, "Mắt lá" của Huyền Tri và một vài tuyển tập chung khác.

Đặc điểm đầu tiên là thơ haiku Việt đi ra từ môi trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh - nghĩa là theo lối hàn lâm, nơi giảng viên và các sinh viên cùng nghiên cứu thể loại này.

Sau đó, từ các cảm hứng nhận được, sinh viên mới thực hành những bài haiku cho riêng mình; sau đó nữa thì các tác giả, các nhóm, rồi câu lạc bộ thơ haiku ra đời.

Đặc điểm thứ hai là các bài thơ haiku Việt vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi câu cú, nhạc điệu, cách dùng từ... trong các bản dịch của Nhật Chiêu.

Trong tiếng Nhật, thơ haiku luôn yêu cầu phải có “quý ngữ” (kigo) về mùa; riêng thơ haiku Việt thì không nhất thiết, vì Việt Nam không phải là “siêu thị thời tiết” như Nhật, nhiều tác giả lại sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, yếu tố mùa phải mờ nhạt là đương nhiên.

“Do bản chất ngôn ngữ quá khác nhau, trong khi tiếng Nhật chỉ có 5 nguyên âm không biến hóa, không có dấu giọng, thì tiếng Việt lại nổi tiếng về nhạc tính, sự du dương... Thơ haiku Nhật có vẻ nghèo nhạc điệu, không dùng hình dung từ, hiếm khi dùng tính từ...; thơ Việt thì gần như ngược lại, không có tính từ mới lạ. Chính vì vậy, khi dịch, làm thơ haiku trong tiếng Việt, có sự khác nhau là tất yếu” - Nhật Chiêu nhận xét.

Ông Nhật Chiêu nói thêm: “Tứ thơ haiku Việt thường chưa sắc, mạnh và sâu, có lẽ do thói quen trau chuốt ngôn ngữ thái quá, mà chưa quen về cách tạo dựng tứ. Chưa chú ý đầy đủ đến những sự vật thô mộc, những sinh linh nhỏ bé như chuột, ruồi, muỗi, châu chấu, chuồn chuồn... mà tinh thần thơ haiku vốn thân thuộc”.

Vẫn sống khỏe dù thơ Việt… không bán được

Ngày 24/6/2007, câu lạc bộ thơ haiku Việt Nam đầu tiên được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, do giáo sư Lưu Đức Trung làm chủ nhiệm, với khoảng 30 thành viên tham dự.

Cuộc thi thơ haiku Việt - Nhật lần 1, năm 2007, sau 45 ngày phát động đã có khoảng 400 tác giả gửi khoảng 4.000 bài thơ đến tham dự. Cuộc thi lần thứ 2 năm nay, do thể lệ thay đổi theo hướng hạn chế số lượng bài dự thi, nhưng ban tổ chức cũng đã nhận hơn 900 bài.

Nếu so với thơ lục bát hay các thể loại thơ có tính truyền thống ở Việt Nam, những con số này nghe còn quá khiêm tốn. Nhưng nếu so với các thể loại hay chủ nghĩa đã và đang du nhập vào Việt Nam như sonnet, siêu thực, thơ ngôn ngữ, tân hình thức, hậu hiện đại... thì những con số này cũng là nhiều, và đáng để quan tâm.

Thơ haiku vốn chỉ có 3 câu rất ngắn, ví như: “Hoa mai trên cành/làn gió Xuân nhẹ/buông mình thong dong” (Huyền Tri), có vẻ cũng dễ gần với độc giả, những người chơi thư pháp chữ Việt. Chính thế mà giữa lúc thơ đang gần như không bán được, thì haiku Việt vẫn có độc giả của riêng mình, mỗi ngày một nhiều hơn.

Sắp tới đây, sẽ có thêm hai tập haiku của tác giả Hà Thiên Sơn và Đông Tùng được xuất bản./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục