Thổ Nhĩ Kỳ cải tổ quân đội phù hợp với quy định của NATO

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố các kế hoạch tái cơ cấu lực lượng vũ trang nước này là nhằm loại bỏ âm mưu đảo chính tiềm tàng khác, đồng thời khẳng định những động thái này phù hợp với cơ chế của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ cải tổ quân đội phù hợp với quy định của NATO ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik. (Nguồn: AP)

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố các kế hoạch tái cơ cấu lực lượng vũ trang nước này là nhằm loại bỏ âm mưu đảo chính tiềm tàng khác, đồng thời khẳng định những động thái này phù hợp với cơ chế và tinh thần của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phát biểu trước báo giới ngày 5/8, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik cho biết kế hoạch tái cơ cấu được triển khai nhằm loại bỏ cơ chế cũ từng để xảy ra 6 cuộc đảo chính ở nước này trong suốt 60 năm qua. Các bước thực hiện hoàn toàn phù hợp với cơ chế và tinh thần của NATO.

Ông Isik cũng khẳng định các biện pháp tái cơ cấu lực lượng vũ trang sẽ không ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) của quân đội nước này. 

Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành do một nhóm tướng lĩnh và binh sĩ quân đội tiến hành đêm 15/7, Tổng thống Tayip Erdogan đã ban hành 2 sắc lệnh sa thải khoảng 3.000 tướng lĩnh và binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang lớn thứ hai trong khối NATO này, trong đó hơn 40% là các tướng quân đội.

Ông Erdogan cũng yêu cầu đóng cửa nhiều trường đào tạo quân sự và đặt các cơ quan chỉ huy quân sự dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. 

Trong một diễn biến liên quan, tối 5/8, truyền thông Đức đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một công dân Đức tình nghi có liên hệ với phong trào Gulen vốn bị Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính bất thành vừa qua.

Đây là công dân Đức đầu tiên bị bắt vì liên quan đến vụ đảo chính. Người phụ nữ này được cho là lưu giữ nhiều cuốn sách có liên quan tới phong trào Gulen, thể hiện mối liên lạc hoặc cho thấy bà là thành viên của phong trào do giáo sĩ hiện đang sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen đứng đầu. Hiện chưa rõ danh tính của người phụ nữ này cũng như các thông tin liên quan. 

Chính quyền Ankara cáo buộc giáo sĩ Gulen là người đứng đằng sau "giật dây" cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7 và liên tục yêu cầu Mỹ dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ để điều tra.

Tuy nhiên, bản thân giáo sĩ Gulen luôn khẳng định không liên quan tới cuộc đảo chính. Luật sư của giáo sĩ này tại Mỹ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không đủ chứng cứ khẳng định ông Gulen liên quan tới cuộc đảo chính kể trên, vì vậy sẽ không thể thực hiện lệnh dẫn độ đối với ông này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục