Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa một kênh truyền hình ủng hộ người Kurd

IMC TV là một trong những kênh truyền hình bị yêu cầu đóng cửa hồi cuối tuần trước theo tình trạng khẩn cấp mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt từ khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa một kênh truyền hình ủng hộ người Kurd ảnh 1Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đột kích các phòng thu của IMC TV ở Istanbul. (Nguồn: CNN)

Ngày 4/10, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã khám xét trụ sở kênh truyền hình IMC TV được cho là ủng hộ người Kurd và cắt tất cả các chương trình đang phát sóng của kênh này bất chấp sự phản đối của nhân viên.

IMC TV là một trong những kênh truyền hình bị yêu cầu đóng cửa hồi cuối tuần trước theo tình trạng khẩn cấp mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt từ khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng 7 vừa qua.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu 12 kênh truyền hình khác ngừng phát sóng do cáo buộc có liên quan đến các nhóm bị coi là đe dọa lợi ích an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ khủng bố và ủng hộ cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7.

Các kênh truyền hình này cũng bị cho là đã phát các chương trình "tuyên truyền" cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ban lãnh đạo kênh truyền hình IMC TV đã bác mọi cáo buộc trên. Hàng trăm người biểu tình cùng ngày đã tập trung tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối hành động của chính quyền Ankara.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng từ ngày 19/10 tới.

Đến nay, chính quyền Ankara đã bắt giữ hoặc sa thải hàng chục nghìn người làm việc trong các lĩnh vực quân đội, tư pháp, cảnh sát, giáo dục, báo chí, đồng thời đóng cửa hơn 100 kênh truyền hình.

Cũng liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, các công tố viên Đức ngày 4/10 thông báo hủy vụ điều tra hình sự đối với người dẫn chương trình truyền hình Đức Jan Böhmermann vì bài thơ được cho là xúc phạm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, vụ điều tra bị hủy do các công tố viên Đức ở thành phố Mainz không thể thu thập đủ bằng chứng buộc tội ông Böhmermann với bài thơ được cho đã xúc phạm Tổng thống Erdogan.

Trước đó hồi tháng Tư, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Đức, yêu cầu điều tra hình sự ông Böhmermann vì đã đọc một bài thơ châm biếm Tổng thống Erdogan trên kênh truyền hình ZDF, trong đó đề cập tới nhiều vấn đề nóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cá nhân nhà lãnh đạo Erdogan.

Bài thơ đã dẫn tới căng thẳng ngoại giao giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Đại sứ Đức tại Ankara bị triệu tới Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài đề nghị Chính phủ Đức cho phép tiến hành điều tra hình sự vụ việc, Tổng thống Erdogan cũng đệ đơn kiện ông Böhmermann lên một tòa án ở Hamburg.

Dự kiến, tòa Hamburg, vốn đã cấm ông Böhmermann sử dụng lại phần lớn bài thơ nêu trên, sẽ đưa vụ việc ra xét xử trong tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục