Thổ Nhĩ Kỳ muốn hòa giải với Armenia về vụ thảm sát 1915

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân người Armenia thiệt mạng trong vụ thảm sát năm 1915 và kêu gọi hòa giải.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn hòa giải với Armenia về vụ thảm sát 1915 ảnh 1Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ gửi lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát người Armenia vào năm 1915. (Ảnh: AP)

Ngày 23/4, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân người Armenia thiệt mạng trong vụ thảm sát dưới thời Đế chế Ottoman trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, đồng thời kêu gọi Armenia không coi sự việc này là lý do để gây thù địch với Ankara.

Đây là lần đầu tiên, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời chia buồn công khai về sự kiện từng gây chia rẽ sâu sắc giữa nước này với phương Tây.

Trong bài phát biểu được phát bằng vài thứ tiếng, bao gồm tiếng Armenia, nhân 99 năm ngày mở màn vụ thảm sát nói trên, ông Erdogan thừa nhận những sự kiện xảy ra năm 1915 đối với người Armenia đã gây ra những hậu quả mất nhân tính, trở thành nỗi đau chung của cả hai nước, với hàng triệu người thuộc các tôn giáo và sắc tộc khác nhau bị giết hại và nhiều người khác mất nhà cửa.

Ông Erdogan cho rằng người dân Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ không nên để những nỗi đau trên ngăn cản họ tạo dựng tình thương và thái độ nhân đạo đối với nhau. Ông bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng với những phong tục, tập quán giống nhau, người dân Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ có thể nói chuyện với nhau về quá khứ một cách chín chắn và nhớ về những mất mát một cách nghiêm túc.

Ông Erdogan không quên nhấn mạnh những năm cuối của Đế chế Ottoman là thời kỳ khó khăn, khốn khổ đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurk, người Arập, người Armenia và các công dân Ottoman khác, không kể họ theo tôn giáo hoặc thuộc sắc tộc nào.

Ông Erdogan đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng những sự kiện năm 1915 làm cái cớ để gây thù địch chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và biến sự thù địch này thành xung đột chính trị là không thể chấp nhận được.

Phản ứng trước phát biểu của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đây là dấu hiệu tích cực có thể thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Armenia.

Chiến dịch bắt giữ và thảm sát 2.000 nhà lãnh đạo Armenia bắt đầu ngày 24/4/1915 ở thành phố Istanbul. Chưa đầy một năm sau, hàng trăm nghìn người buộc phải rời khỏi nơi sinh sống của mình, tài sản của họ bị tịch thu và nhiều người bị giết hại.

Armenia sau đó buộc Thổ Nhĩ Kỳ công nhận việc 1,5 triệu người bị giết hại dưới thời Đế chế Ottoman là hành vi diệt chủng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chỉ có 500.000 người mất mạng, đồng thời khẳng định những người này chết vì giao tranh hoặc vì đói trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

Một thế kỷ sau, vụ tàn sát vẫn gây tranh cãi gay gắt, cản trở mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây và còn là một trở ngại trong tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Trong chuyến thăm Armenia năm ngoái, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu từng thừa nhận những diễn biễn thời kỳ 1915-1916 ở nước này là một sai lầm và là hành động phi nhân tính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục