Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp tái khẳng định ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Iraq

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tái khẳng định quan điểm là tôn trọng sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định của Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp tái khẳng định ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Iraq ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 28/9 đã nhận được hai cuộc điện thoại của các nhà lãnh đạo Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Paris và Ankara tái khẳng định ủng hộ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Iraq.

Tại cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Iraq, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định quan điểm của Paris là tôn trọng sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định của Iraq, đồng thời phản đối cuộc trưng cầu về độc lập của người Kurd.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iraq, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhấn mạnh sự ủng hộ của Ankara đối với mọi quyết định của ông Abadi và Quốc hội Iraq nhằm bảo toàn sự thống nhất của nước này.

Một thông báo của Văn phòng thủ tướng Iraq nêu rõ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh cam kết của Ankara hợp tác toàn diện với Chính phủ Iraq để thực thi mọi bước đi cần thiết nhằm mở rộng thẩm quyền của nhà nước trên bộ (các cửa khẩu), tại các sân bay và cung cấp các công cụ cần thiết để thực thi những biện pháp đó.

[Iraq: Hơn 90% người Kurd bỏ phiếu tán thành nền độc lập]

Ankara cũng nhấn mạnh ủng hộ mọi quyết định khác của Iraq, đặc biệt là các quyết định liên quan việc xuất khẩu dầu mỏ được giới chức Iraq đưa ra.

Cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq được tổ chức ngày 25/9 với tỷ lệ tham gia bỏ phiếu đạt 72%. Ủy ban bầu cử và trưng cầu ý dân của người Kurd thông báo đã có trên 92% cử tri bỏ phiếu tán thành nền độc lập.

Thủ tướng Abadi đã yêu cầu hủy kết quả trưng cầu và khởi động đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Cuộc trưng cầu gây tranh cãi trên cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế, cảnh báo những hệ lụy tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, hỗn loạn chính trị trong khu vực.

Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì sự kiện này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục