Theo trang mạng eurasiareview.com, những năm gần đây, Nga đã không ngừng nỗ lực gia tăng ảnh hưởng về quân sự và kinh tế tại Biển Đen và Nam Caucasus.
Việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, ngăn chặn tuyến đường của hải quân Ukraine qua eo biển Kerch và sự gia tăng dần dần hiện diện của binh sỹ Nga đến Crimea đã đẩy cán cân này theo chiều hướng có lợi cho Moskva và hạn chế khả năng hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen.
Sự tăng cường quân sự tương tự cũng diễn ra tại các khu vực Abkhazia và Tskhinvali của Gruzia, qua đó làm gia tăng bất ổn an ninh khu vực và nguy cơ về một vụ đụng độ nhỏ dọc tuyến đường tiếp giáp này leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự tổng lực.
Mặc dù Ankara và Moscow đang cho thấy họ có thể hợp tác tại các chiến trường khác nhau, đặc biệt là tại Syria, song hai bên vẫn là những đối thủ địa chính trị với những tầm nhìn khác biệt tại Biển Đen và ở Nam Caucasus.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang theo đuổi một chiến lược hai hướng nhằm giải quyết thế mất cân bằng về địa chính trị do các động thái quân sự và chính trị của Nga gây ra.
[Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận xung đột tại Libya và Syria]
Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay đã phát triển mối quan hệ kinh tế và quân sự gần gũi mang tính lịch sử với Azerbaijan, và đã hậu thuẫn tối đa cho nỗ lực gần đây của Baku nhằm thiết lập quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ tại Nagorny-Karabakh thuộc kiểm soát của Armenia.
Một vấn đề khác, dù ít được chú ý hơn, đó là sự hợp tác được tăng cường giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine và Gruzia, theo đó hình thành hướng thứ hai trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với Nga.
Trong chuyến thăm Ukraine hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tiết lộ về một gói viện trợ quân sự trị giá 36 triệu USD dành cho Ukraine. Thêm vào đó, hai bên đã ký thoản thuận khung về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngừng nỗ lực tăng cường năng lực quân sự của Ukraine. Một số cuộc gặp để bàn về hợp tác giữa các quan chức hai nước đã được tổ chức, với việc các phái đoàn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine công khai tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác an ninh song phương tại khu vực Biển Đen.
Điều này bao hàm cả các cuộc tập trận chung tiềm năng giữa lực lượng hải quân hai nước. Hợp tác quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine cũng đang được duy trì qua việc tăng cường các thương vụ mua bán vũ khí giữa hai bên.
Bên cạnh đó, tháng 12/2019, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dành 100 triệu lira (tương đương 12 triệu USD) cho Bộ Quốc phòng Gruzia để cải tiến năng lực hậu cần quân sự của nước này. Động thái này diễn ra sau đợt Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường chuyển giao các năng lực quân sự cho Gruzia trong suốt năm 2019.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ sang Gruzia đạt 3,9 triệu USD, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm 2018. Phải thừa nhận rằng, các khoản phân bổ như vậy chưa đủ quan trọng để cải thiện đáng kể các năng lực quân sự của Gruzia.
Vì lý do này, hợp tác quân sự mà Tbilisi và Ankara tiến hành trong khuôn khổ mô hình hợp tác ba bên Thổ Nhĩ Kỳ-Gruzia-Azerbaijan (đã được gia hạn đến năm 2022) có giá trị đặc biệt đối với Gruzia.
Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Azerbaijan đều cùng khó chịu đối với Nga và điều đó tạo ra chất kết dính về địa chính trị cho mối quan hệ ba bên này.
Hơn nữa, việc phát triển năng lượng và hạ tầng giao thông tại Nam Caucasus và cùng với đó là nhu cầu bảo đảm an ninh, sẽ thúc đẩy Ankara tiếp tục đầu tư hơn nữa vào hợp tác ba bên này, trong đó việc thành lập các lữ đoàn bảo vệ chung phục vụ triển khai nhanh chóng dọc hành lang năng lượng và giao thông Nam Caucasus, việc tăng quân số tham gia tập trận và nâng cấp đầu tư quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Gruzia và Azerbaijan nhiều khả năng sẽ là những bước đi tiếp theo.
Chiến lược Biển Đen-Caucasus của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là các hoạt động đầu tư về củng cố năng lực quốc phòng cho Ukraina và Gruzia, ăn khớp với các chiến lược của phương Tây đối với Nga, cũng như các lợi ích của phương Tây trong khu vực này nói chung.
Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, phương Tây quan tâm đến việc tiếp nhận dầu khí của Azerbaijan và hoạt động đầu tư vào các cơ sở hạ tầng đường ống dẫn năng lượng và đường sắt tại Gruzia.
Phương Tây cũng ủng hộ tham vọng lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành một trung tâm đầu mối trung chuyển năng lượng cho hệ thống đường ống dẫn khí xuyên Anatolia (TANAP), đường ống xuyên biển Adriatic (TAP) và đường ống Nam Caucasus (SCP).
Phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ cùng quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho hành lang trên bộ quanh vùng biển Caspi. Điều đó tạo ra một tuyến kết nối tuy hẹp nhưng mang tính quyết định với Trung Á, nơi mà phương Tây chỉ có ảnh hưởng hạn chế, song lại là nơi Thổ nhĩ Kỳ, với tham vọng đóng vai trò lớn hơn về kinh tế và chính trị, đang xây dựng các mối quan hệ dựa trên các yếu tố lịch sử và văn hóa, có tiềm năng trở thành một sợi dây liên kết các lợi ích của phương Tây như hồi thập niên 1990.
Trái ngược với lập trường của phương Tây rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang xích lại gần Nga, việc Ankara tại Caucasus trên thực tế lại đang tìm cách lôi kéo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tât Dương (NATO) chống lại Moskva.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) năm nay, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại không mời Gruzia, hay chúng ta không kích hoạt kế hoạch hành động để Gruzia trở thành thành viên (của NATO).”
Tuyên bố của ông Cavusoglu cho thấy có một sự chuyển dịch rõ rệt trong cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi trước đó Ankara chưa từng bộc lộ bất cứ mối quan tâm mạnh mẽ nào đối với việc mở rộng NATO về phía Nam Caucasus.
Tuy nhiên, Ankara đánh giá cao việc hợp tác sâu hơn với phương Tây là điều cần thiết để cân bằng ảnh hưởng của Nga tại khu vực Biển Đen-Nam Caucasus.
Với việc tăng cường hợp tác quân sự với Gruzia và công khai ủng hộ tham vọng gia nhập NATO của nước này, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi tín hiệu rằng họ đang áp dụng cách tiếp cận mang tính tấn công hơn nhằm vào các tham vọng của Nga tại Nam Caucasus.
Tóm lại, khi Nga mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự tại Biển Đen-Nam Caucasus trong suốt thập kỷ vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết tâm đáp trả.
Trong khi những hành động can dự vào Syria và Libya đang làm tiêu tốn năng lượng chính trị và các nguồn lực kinh tế và quân sự, thì Ankara cũng sẽ tăng cường tập trung sự chú ý vào Biển Đen và Nam Caucasus để cân bằng và đối phó với Moskva.
Ukraine, Gruzia và Azerbaijan đã trở thành những trụ cột trong chiến lược kiềm chế non trẻ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn Nga và bảo đảm an ninh cho hành lang năng lượng và giao thông tại Nam Caucasus chứng tỏ rằng những lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và Phương Tây là tương đồng với nhau./.