Vấn đề "bài Thổ Nhĩ Kỳ" liệu đã nổi lên trên khắp châu Âu?

Thổ Nhĩ Kỳ tố Đức "hậu thuẫn" mạng lưới của Giáo sỹ Gulen

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Đức "hậu thuẫn" mạng lưới của Giáo sỹ Hồi giáo Gulen, người bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7 năm ngoái.
Thổ Nhĩ Kỳ tố Đức "hậu thuẫn" mạng lưới của Giáo sỹ Gulen ảnh 1Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin. (Nguồn: sozcu.com.tr)

Ngày 19/3, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Đức "hậu thuẫn" mạng lưới của Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7 năm ngoái. Tuyên bố mới trên có thể khiến quan hệ căng thẳng giữa Berlin và Ankara càng thêm trầm trọng.

Bình luận về phát biểu của người đứng đầu Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) Bruno Kahl trong một cuộc phỏng vấn, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể thuyết phục được Đức về việc Giáo sỹ Fethullah Gulen đứng sau vụ đảo chính trên, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin tuyên bố đó là bằng chứng cho thấy Đức ủng hộ mạng lưới của Giáo sỹ Gulen, bởi Berlin coi mạng lưới này như một công cụ hữu ích để chống lại Ankara.

Ông Ibrahim Kalin cũng cho biết có khả năng các bộ trưởng nước này sẽ lên kế hoạch tổ chức một cuộc mít tinh khác tại Đức trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/4 về việc sửa đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ tố Đức "hậu thuẫn" mạng lưới của Giáo sỹ Gulen ảnh 2Một cuộc tuần hành của người dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Hà Lan. (Ảnh: Reuters)

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin nói rằng vấn đề "bài Thổ Nhĩ Kỳ" đã nổi lên ở châu Âu, vì Ankara chỉ ra những sai lầm của phương Tây, đồng thời khẳng định nước này tiếp tục là một quốc gia thân thiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Quan hệ giữa hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này đã căng thẳng nghiêm trọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một phóng viên mang quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và kích động hận thù.

Tiếp đó là việc chính quyền một số địa phương của Đức hủy bỏ loạt sự kiện có các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tham dự nhằm vận động người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý tăng thêm quyền lực cho tổng thống vào tháng Tư tới.

Ông Erdogan khi đó từng cáo buộc "cách hành xử của Đức không khác gì cách hành xử thời phát xít"./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục