Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ tại Brazil do vụ thảm sát người Armenia

Ngày 9/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ nước này tại Brazil để tham vấn sau khi thượng viện Brazil thông qua dự luật công nhận vụ thảm sát người Armenia là "hành động diệt chủng."
Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ tại Brazil do vụ thảm sát người Armenia ảnh 1Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan (giữa, hàng trước) tham gia lễ tưởng niệm 99 năm xảy ra vụ thảm sát người Armenia tại thủ đô Yerevan hồi năm 2014. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 9/6, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã triệu hồi đại sứ nước này tại Brazil để tham vấn sau khi thượng viện quốc gia Nam Mỹ thông qua dự luật công nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời đế chế Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là "hành động diệt chủng."

Trước đó, ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng mời Đại sứ Brazil tại Ankara đến và yêu cầu giải thích về quyết định trên.

Trong thông báo gửi qua email tới Brazil, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã triệu Đại sứ Huseyin Dirior tại Brazilia về Ankara, đồng thời cho rằng nghị quyết mà Thượng viện Brazil thông qua hôm 2/6 là "bóp méo sự thật lịch sử và các nguyên tắc luật pháp."

Theo thông báo trên, những quyết định mang tính chính trị kiểu này không thể làm thay đổi được sự thật lịch sử cũng như không thể thay đổi được quy định pháp lý.

Liên quan vấn đề trên, Chính phủ Brazil khẳng định nước này lấy làm tiếc trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi Đại sứ tại Brazil, khẳng định quyết định của Ankara không làm thay đổi được lập trường chính thức của Brazil.

Vụ thảm sát người Armenia trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến nay vẫn gây tranh cãi giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Armenia cho rằng 1,5 triệu người dân nước này đã bị giết hại trong chiến dịch quân sự nhằm đẩy người Armenia ra khỏi vùng Anatolia, nay thuộc miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.

Armenia từ lâu luôn tìm cách để cộng đồng quốc tế công nhận chiến dịch này là hành động diệt chủng.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần xin lỗi người Armenia, song phản đối dùng từ diệt chủng, lấy lý do hàng trăm nghìn người ở cả hai phía đã thiệt mạng khi các lực lượng Ottoman giao tranh với quân đội Nga Hoàng để giành quyền kiểm soát vùng Anatolia trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Thổ Nhĩ Kỳ từng kêu gọi thành lập một ủy ban hỗn hợp với Armenia để nghiên cứu khoa học các sự kiện năm 1915-2016.

Cho đến nay, có hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Pháp và Nga, đã công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia.

Gần đây nhất, ngày 15/4, Nghị viện châu Âu (EP) đã ra nghị quyết kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận vụ hàng triệu người Armenia bị sát hại dưới thời Đế chế Ottoman là "tội diệt chủng."

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thừa nhận nghị quyết trên, cho rằng nghị quyết này trái với sự thật lịch sử, các nguyên tắc luật pháp và không có hiệu lực pháp lý đối với Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục