Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi Đại sứ tại Đức vì vụ thảm sát người Armenia

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Đức liên quan đến nghị quyết lên án vụ thảm sát người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman vào năm 1915.
Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi Đại sứ tại Đức vì vụ thảm sát người Armenia ảnh 1Tân Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chiều 2/6, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức ra quyết định triệu hồi Đại sứ nước này tại Đức chỉ ít giờ sau khi Hạ viện Đức thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng.

Tân Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Đức, Huseyin Avni Karslioglu để tham vấn. Ông Yildirim tuyên bố nghị quyết vừa được Hạ viện Đức thông qua là "sai lầm", đồng thời khẳng định "nhóm phân biệt chủng tộc người Armenia" đứng đằng sau quyết định này.

Báo chí Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin ông Karslioglu được cho là sẽ lên máy bay trở về Ankara ngay trong chiều 2/6.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng xác nhận thông tin về việc Ankara triệu hồi Đại sứ tại Đức, đồng thời khẳng định nghị quyết của Hạ viện Đức sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng" tới mối quan hệ giữa hai nước.

Phó Thủ tướng đồng thời là người phát ngôn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtumus đã chỉ trích nghị quyết của Hạ viện Đức là "vô giá trị" và là một "sai lầm lịch sử."

Ông Kurtumus nêu rõ nghị quyết không đem lại lợi ích cho mối quan hệ Berlin - Ankara, và kết luận về vụ thảm sát là vấn đề của các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử, chứ không phải của các chính trị gia. Ông đồng thời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có "phản ứng thích đáng" ở mọi cấp về nghị quyết của Hạ viện Đức.

Trước đó cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, Hạ viện Đức đã thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia năm 1915 là tội ác diệt chủng.

Tại cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Đức Nobert Lammert cho rằng chính phủ hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ không phải chịu trách nhiệm về một sự kiện đã xảy ra từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhưng cần phải có trách nhiệm với những gì liên quan trong tương lai.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức sẽ lại trở nên căng thẳng sau sự kiện mang tính chính trị này, nó có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa chính quyền Ankara với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề người di cư, đồng thời khiến Thổ Nhĩ Kỳ càng khó khăn hơn trong nỗ lực xin gia nhập EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục