Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ đối thoại trực tiếp để giải quyết bất đồng

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận sơ bộ về một số vấn đề nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson kéo theo các biện pháp trừng phạt của Washington.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ đối thoại trực tiếp để giải quyết bất đồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: hurriyetdailynews.com)

Ngày 7/8, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về một số vấn đề nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson kéo theo các biện pháp trừng phạt của Washington.

Nhật báo Hurriyey dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết các quan chức Thổ Nhĩ kỳ và Mỹ đã nhất trí về "các vấn đề nhất định" và hai bên đã thống nhất tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp.

Dự kiến, một phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới thủ đô Washington trong những ngày tới để thúc đẩy quá trình giải quyết bất đồng.

[Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau ở Washington để thảo luận bất đồng]

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu vào danh sách trừng phạt với lý do hai quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt giam giữ linh mục Brunson tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Linh mục Brunson, người đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 20 năm, bị bắt giữ hồi tháng 10/2016 tại một nhà thờ ở thị trấn Aliaga, thành phố Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ và bị đưa ra xét xử sau hơn 1 năm rưỡi bị giam giữ.

Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc linh mục Brunson giúp đỡ tổ chức của giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen.

Tuy nhiên, ông Brunson phủ nhận mọi cáo buộc.

Vụ việc trên đã đẩy Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - rơi vào cuộc cuộc khủng hoảng ngoại giao mới.

Quan hệ giữa hai nước cũng từng căng thẳng liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus hồi năm 1974 và cuộc chiến tranh tại Iraq do Mỹ đứng đầu hồi năm 2003.

Cho đến nay, hai nước vẫn bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự tại Syria, trong đó có việc Mỹ hỗ trợ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - lực lượng mà Ankara coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục