Thổ Nhĩ Kỳ xét xử các sỹ quan âm mưu đảo chính

Ngày 16/12, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xét xử vụ Chiến dịch Sledgehammer - âm mưu đảo chính quân sự năm 2003 nhằm lật đổ Chính phủ.
Ngày 16/12, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xét xử vụ Chiến dịch Sledgehammer - âm mưu đảo chính quân sự năm 2003 nhằm lật đổ Chính phủ của Thủ tướng nước này Recep Tayyip Erdogan.

Phiên xét xử diễn ra tại một tòa án nằm trong khuôn viên một nhà tù ở phía Tây thành phố Istanbul.

Gần 200 sỹ quan, trong đó có ba sỹ quan cấp cao đã nghỉ hưu, được dẫn vào phòng xét xử trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt. 10 bị cáo không có mặt tại phiên tòa.

Trước đó, phát biểu với báo giới, các bị cáo cho biết họ sẽ bác bỏ mọi cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ và sẽ khẳng định các kịch bản được thảo luận tại một cuộc họp của giới quân sự cách đây 7 năm chỉ là một cuộc tập trận.

Tướng Cetin Dogan, nguyên là người đứng đầu một lực lượng danh tiếng trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng đến phần bào chữa, ông sẽ tuyên bố vụ xét xử này không có cơ sở pháp lý.

Theo các nhà quan sát, vụ xét xử Chiến dịch Sledgehammer có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Chính phủ ủng hộ người Hồi giáo với các lực lượng vũ trang theo đường lối thế tục tại Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh chỉ còn hơn sáu tháng nữa sẽ diễn ra tổng tuyển cử ở nước này.

Trong lịch sử, kể từ năm 1960 đến nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã từng lật đổ bốn chính phủ dân sự.

Chiến dịch Sledgehammer bao gồm các kế hoạch đánh bom một số thánh đường linh thiêng của người Hồi giáo và kích động xung đột giữa người Thổ Nhĩ Kỳ với người Hy Lạp. Nếu bị kết tội, các bị cáo sẽ phải chịu mức án từ 15 đến 20 năm tù giam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục