Thợ sơn tường - nghề "đánh cược" sinh mạng

Chỉ với chiếc dây thừng và mấy cây sào lơ lửng trên không nên thợ sơn tường được ví như những “người nhện” luôn phải đối mặt với rủi ro.
Chỉ với chiếc dây thừng và mấy cây sào lơ lửng trên không nên thợ sơn tường được ví như những “người nhện”.

Đặc thù lao động tiềm ẩn nhiều rủi ro, không ít người do sơ suất bị tai nạn để lại di chứng suốt đời, nhưng vì miếng cơm, manh áo mà nhiều lao động vẫn lấy đó làm nghiệp mưu sinh.

Nghề nguy hiểm

“Chỉ một lần sơ sểnh, néo dây không chặt, bạn em đã “rơi tự do” từ tầng 5 xuống đất, gẫy xương, dập lá gan. Mới 24 tuổi đời nhưng coi như tàn phế”, Hào kể về tai nạn của bạn mình như tâm sự về mối nguy hiểm thường nhật của nghề sơn tường.

Hào quê ở Ninh Bình, sau khi học xong phổ thông trung học, không thi đỗ đại học đành lên Hà Nội kiếm sống và đến nay đã gắn với nghề sơn tường gần 10 năm.

Theo những “người nhện” kể, nghề sơn tường không cần trình độ, nhưng tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất là phải có sức khỏe tốt, không có tiền sử bệnh tim mạch.

Ngoài ra, phải là những người không sợ độ cao, có tâm lý vững vàng, đúng hơn là phải có bộ "thần kinh thép" mới thích nghi được với độ cao vài chục mét, treo mình lơ lửng giữa khoảng không để làm việc. Không ít trường hợp những thanh niên vạm vỡ, cường tráng nhưng vừa thực hành “bay” ở độ cao vài ba tầng nhà đã thấy choáng váng, vã mồ hôi.

“Ở dưới đất nhìn lên đã thấy hoảng, nhưng khi treo mình lơ lửng giữa khoảng không hun hút, ai nói không sợ là nói khoác!", anh Minh, một thợ sơn lâu năm trong nghề kể lại cảm giác lơ lửng giữa trời.

Gió là thứ mà những "người nhện" ngán nhất. Thường thì khi làm việc ngoài trời, nhưng người thợ sơn chọn lúc gió nhẹ để leo lên, tụt xuống làm việc nhịp nhàng. Nhưng đáng sợ nhất là khi đang làm trên cao gặp phải cơn giông, gió thổi lớn gây ra những cú va đập rất mạnh hết sức nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Minh, một người làm nghề cho hay: “Mỗi sáng, trước khi làm việc chúng tôi thường phải theo dõi dự báo thời tiết. Khi thấy trời sắp mưa phải ra hiệu, báo trước 15 phút để anh em tiếp đất an toàn”.

Lang thang đời thợ

7 giờ sáng, những người thợ sơn đã leo lên sân thượng của ngôi nhà 8 tầng thả dây. Mỗi người ngồi trên một tấm ván dài khoảng 50cm, bốn góc ván được buộc cố định với dây treo trên một chiếc khóa để nới dây mỗi khi tụt xuống. Đầu kia của sợi dây được buộc cố định trên nóc của tòa nhà.

Những đội “người nhện” này ở Hà Nội, chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua lớp đào tạo tay nghề, đến từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình... mỗi đội sơn thường có từ 8 - 10 người, thuê nhà ở khu vực ngoại thành quận Long Biên, Mỹ Đình, Cầu Giấy để tiện liên hệ làm việc theo nhóm. Được người quen giới thiệu với các đại lý sơn, nên công việc của họ khá ổn định.

Anh Trần Mạnh Hùng, chủ đại lý sơn Kova trên đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Những gia đình mới làm nhà, họ tới chọn sơn và được “tư vấn” về thợ sơn. Sau khi đã thống nhất giá cả giữa đại lý với gia chủ, nhóm “người nhện” đã có việc làm”.

Những công trình gồm cả nhà liền kề, biệt thự, nhà dân, chung cư. Ở những vùng ngoại thành hiện đang vào mùa xây dựng, nên việc “thất nghiệp” của đội “người nhện” là rất hiếm.

“Chúng em nhận công trình ăn theo mét vuông do đại lý sơn đưa ra với giá 6.000 đồng/m2. Mức giá như vậy thấp hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/m2 so với giá bọn em tự thỏa thuận với gia chủ. Tính bình quân thợ có thâm niên được hưởng mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, còn những người mới vào nghề khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng”, anh Nguyễn Văn Minh, một thợ sơn tường cho biết.

Do thu nhập tương đối ổn định, nên dù công việc nguy hiểm vẫn có rất nhiều người tham gia. Tùy theo từng ngôi nhà, công đoạn mà trưởng nhóm bố trí công việc. Chỉ với chiếc thang dây như vậy, công việc đầu tiên là họ đánh nhẵn “vệ sinh” bức tường, sửa chữa những chỗ khiếm khuyết... Tiếp đó là tiến hành sơn lót và sơn bóng. Mỗi lần lên, xuống phải làm xong một dây, mỗi dây có bề rộng 6m, làm hết mặt tường này mới chuyển sang mặt khác.

“Nguy hiểm là vậy nhưng nghề này cũng có chị em “thử sức” đấy anh ạ! Nhiều người tuy biết nghề nguy hiểm, dễ bị gãy chân, tay và mang thương tật suốt đời nhưng vì miếng cơm, manh áo mà họ vẫn dấn thân”, ngồi trên thang dây Hào nói vọng xuống.

Do là lao động tự do nên nhóm “người nhện” không bị ràng buộc bởi cơ quan, đơn vị nào và đương nhiên cũng chẳng được mua bảo hiểm. “Có trường hợp ngã gãy tay, chân hoặc bị chấn thương sọ não, chủ đại lý sơn cũng chỉ thăm hỏi qua, cho thêm một vài triệu bạc vậy thôi”, anh Tuấn, một thợ sơn tường chua xót nói./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục