Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo Nhật-Hàn sẽ có ''kết cục buồn?''

Tính đến thời điểm này, Nhật Bản và Hàn Quốc gần như không thể tránh khỏi kịch bản ngừng thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo (GSOMIA) sau ngày 23/11 tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo trong cuộc gặp tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/11/2019. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo trong cuộc gặp tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/11/2019. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, Nhật Bản và Hàn Quốc đã không đạt được bất cứ tiến bộ nào trong cuộc đàm phán về việc gia hạn Hiệp định Bảo đảm Thông tin Quân sự chung (GSOMIA).

Điều này khiến cho hai nước gần như không thể tránh khỏi kịch bản ngừng thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo sau ngày 23/11 tới.

Một quan chức Nhật Bản cho biết trong cuộc gặp đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng của hai nước bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Bangkok ngày 17/11, các bộ trưởng quốc phòng hai nước “chỉ nhắc lại lập trường của mỗi bên.”

Cuộc gặp này kéo dài khoảng 40 phút. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã thúc giục người đồng cấp Jeong Kyeong-doo của Hàn Quốc đảo ngược quyết định của Seoul để GSOMIA hết hạn vào ngày 23/11 tới.

Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Kono kêu gọi Hàn Quốc “hành động một cách hợp lý” trong bối cảnh không chỉ tình hình an ninh khu vực mà còn quan hệ giữa các bộ quốc phòng hai nước láng giềng châu Á này đang “rất xấu.”

Ông nhấn mạnh rằng sự phối hợp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc và giữa hai nước với Mỹ là cực kỳ quan trọng tại thời điểm khi môi trường an ninh xung quanh hai nước Đông Bắc Á này rất xấu, một phần do việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo.

Về phần mình, Bộ trưởng Jeong nói điều đáng tiếc rằng quan hệ giữa hai nước đang xấu đi, đồng thời bày tỏ sẵn sàng nỗ lực để giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.

Tuy nhiên, hai bên nhất trí rằng họ cần phải duy trì liên lạc về các vấn đề quốc phòng để đối phó với các vấn đề liên quan tới Triều Tiên.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, Bộ trưởng Jeong cho biết quyết định không gia hạn GSOMIA của Hàn Quốc xuất phát từ việc Nhật Bản siết chặt quản lý một số sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc vì lý do an ninh quốc gia, đồng thời kêu gọi có “một giải pháp ngoại giao” cho vấn đề này.

[Lãnh đạo quốc phòng Hàn-Nhật sẽ hội đàm trước khi GSOMIA hết hạn]

Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký GSOMIA ngày 23/11/2016 với mục đích chủ yếu là đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này được gia hạn tự động hàng năm nhưng bất cứ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24/8.

Hôm 22/8, Hàn Quốc đã thông báo quyết định ngừng thảo thuận trao đổi thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản.

Sau đó, Nhật Bản đã nhiều lần đề nghị Hàn Quốc nối lại thỏa thuận này bởi Tokyo lo ngại về khả năng suy yếu quan hệ hợp tác an ninh ba bên Nhật-Mỹ-Hàn.

Tuy nhiên, Seoul khẳng định nước này sẽ chỉ xem xét lại quyết định rút khỏi GSOMIA nếu Tokyo hủy bỏ quyết định siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu một số nguyên liệu chiến lược mà các nhà sản xuất bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc đang cần.

Theo các quan chức Nhật Bản, cùng ngày 17/11, một cuộc gặp ba bên giữa các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc với người đồng cấp Mark Esper của Mỹ cũng diễn ra tại Bangkok.

Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Esper nói bóng gió về việc Hàn Quốc không nên rút khỏi GSOMIA khi khẳng định việc chia sẻ thông tin giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là rất quan trọng.

Về phần mình, Bộ trưởng Kono nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hợp tác quốc phòng giữa ba nước để đối phó với các thách thức an ninh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Jeong cho rằng quan hệ hợp tác ba bên này đang phải đối mặt với “nhiều khó khăn” do những khác biệt giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù vậy, ba bộ trưởng vẫn ra tuyên bố chung với trọng tâm chính là Triều Tiên, trong đó họ cam kết “hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm thiết lập hòa bình lâu dài và phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố chung nhấn mạnh ba nước “sẽ duy trì cảnh giác” trước Triều Tiên sau hàng loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo gần đây của Bình Nhưỡng, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác giữa ba nước, trong đó “có việc chia sẻ thông tin, tham vấn chính sách cấp cao và diễn tập kết hợp.”

Trước cuộc gặp này, Bộ trưởng Esper đã có chuyến thăm Hàn Quốc trong nỗ lực thuyết phục Seoul nối lại GSOMIA.

Tuy nhiên, hôm 15/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói với ông Esper rằng Seoul khó có thể chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản nhưng cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực hướng tới hợp tác an ninh giữa ba nước.

Quan hệ Nhật-Hàn, vẫn bị ám ảnh bởi các vấn đề lịch sử, đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua hồi tháng 10/2018 khi tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc một công ty thép của Nhật Bản phải đền bù cho những người Hàn Quốc bị ép phải làm việc cho công ty này trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1945.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng đã trở nên xấu hơn hồi tháng 12 năm ngoái khi một tàu chiến của hải quân Hàn Quốc dường như đã khóa radar ngắm bắn vào một máy bay tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng 10 nước thành viên ASEAN và 8 đối tác khu vực gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.

Trước khi trở về Tokyo vào ngày 19/11, Bộ trưởng Kono dự định sẽ gặp người đồng cấp Esper của Mỹ và các bộ trưởng quốc phòng khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục