Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc: Liệu có 'dậm chân tại chỗ'?

Thế cân bằng trong tam giác quan hệ chiến lược Mỹ-EU-Trung Quốc mà châu Âu muốn duy trì có nguy cơ bị phá vỡ. Một trong những hệ lụy nhãn tiền là ảnh hưởng thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc.
Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc: Liệu có 'dậm chân tại chỗ'? ảnh 1(Nguồn: politico.eu)

Theo trang mạng asiatimes.com/RFI, từ đầu tuần, quan hệ ngoại giao giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc bất ngờ căng thẳng với những màn trừng phạt và trả đũa giữa Brussels và Bắc Kinh.

Thế cân bằng trong tam giác quan hệ chiến lược Mỹ-EU-Trung Quốc mà châu Âu muốn duy trì có nguy cơ bị phá vỡ. Một trong những hệ lụy nhãn tiền là ảnh hưởng tới thỏa thuận đầu tư mà EU và Trung Quốc vừa đạt được cách đây 3 tháng.

Tuy nhiên, theo Asia Times, một số người xem những đòn trả đũa này là bước ngoặt đối với Brussels, vốn đang tự tìm cách tách khỏi cách tiếp cận thiên về trừng phạt nhằm vào Trung Quốc.

Cuộc chiến ngoại giao

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 22/3 khi EU quyết định trừng phạt 4 quan chức và thực thể Trung Quốc dính líu đến các vụ người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.  

Ngay lập tức, Bắc Kinh đáp trả bằng cách nhân đôi số lượng đối tượng bị trừng phạt lên thành 10 - gồm các cá nhân và tổ chức của EU, trong đó có 5 nghị sỹ châu Âu - với lý do “xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc…”

Chính quyền Trung Quốc còn triệu Đại sứ EU để quở trách cùng với hàng loạt tuyên bố của các quan chức ngoại giao yêu cầu châu Âu “sửa chữa sai lầm, chấm dứt đối đầu, không gây thiệt hại thêm cho mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố trước báo giới tại Bắc Kinh rằng nếu mọi chuyện tiếp diễn, các nước châu Âu “sẽ phải trả giá cho những hành động dại dột và ngạo mạn của mình,” thậm chí đe dọa hủy thỏa thuận bảo hộ đầu tư mà hai bên đã ký cuối tháng 12/2020.

Đại diện EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell nói với báo giới rằng hành vi trả đũa ngay tức khắc của Bắc Kinh đã tạo ra “một bầu không khí mới” và một “hiện trạng mới” cho quan hệ EU-Trung Quốc. Giới phân tích nhận định rằng thực tế mới này có thể hủy hoại CAI rất nhanh chóng.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người vẫn luôn có cách hành xử nhã nhặn và kiềm chế hơn các lãnh đạo khác trong vấn đề Trung Quốc, viết trên trang Twitter cá nhân: “Hành động của Trung Quốc là phản ứng cực kỳ phi lý với những biện pháp được thực hiện theo cơ chế trừng phạt nhân quyền của EU. Các biện pháp sẽ được cân nhắc thêm cho phù hợp với bối cảnh của châu Âu.”

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gọi những hành động của Trung Quốc là “cực kỳ khó hiểu”. Ông nói: “Chúng tôi trừng phạt những người vi phạm nhân quyền, chứ không phải các nghị sỹ, điều giống như Trung Quốc làm. Điều nay là cực kỳ khó hiểu và khó chấp nhận.”

Nghị viện châu Âu ngày 23/3 cũng đã hủy phiên họp về Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI) đã kývới Trung Quốc để phản đối các trừng phạt của Bắc Kinh. Giới doanh nhân vẫn le lói hy vọng, nhưng dường như khó thể thuyết phục được các nghị sỹ - những người vừa chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình bị trừng phạt vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Trả lời phỏng vấn báo Libération (Pháp), ông Raphael Glucksmann - một trong 5 nghị sĩ bị Bắc Kinh cho vào danh sách đen - lưu ý đây là lần đầu tiên các nhà lập pháp châu Âu bị một nước ngoài trừng phạt.

Nghị sỹ Glucksmann nhấn mạnh rằng không thể để Bắc Kinh "làm mưa làm gió" tùy thích, châu Âu luôn là thị trường hàng đầu và cũng là đối tác lớn về thương mại quốc tế, vì vậy khối cần phải biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh chính trị.

Với những biến động ngoại giao giữa Trung Quốc và EU như đã thấy thì có vẻ như thỏa thuận đầu tư này đang bị rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" vì trong số những chính khách châu Âu bị Bắc Kinh cho vào danh sách đen trừng phạt có một nhân vật rất có ảnh hưởng đến quan hệ của EU với Bắc Kinh, đó là nghị sỹ Reinhard Butikofer, chủ tịch nhóm nghị sỹ chuyên trách về Trung Quốc.

Nỗi lo của Trung Quốc

Theo Libération, không phải động thái trừng phạt của EU khiến Trung Quốc lo ngại vì việc cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản chỉ liên quan đến các quan chức địa phương, trong khi chính sách là do Bắc Kinh quyết định.

Tuy nhiên, điều quan trọng là lần đầu tiên từ hơn 30 năm qua, EU mới có biện pháp cứng rắn như thế, và ngay lập tức lại được Anh, Mỹ, Canada ủng hộ. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy phương Tây ngày càng lo ngại trước sự hiếu chiến của chế độ Tập Cận Bình.

Mỹ xích lại gần các đồng minh, tạo mặt trận chung khiến Bắc Kinh lo lắng. Trong 4 năm nước Mỹ đi theo chủ nghĩa biệt lập với khẩu hiệu “nước Mỹ trước tiên,” nảy sinh mâu thuẫn nghiêm trọng với các đồng minh, châu Âu đã buộc phải tìm kiếm một chiến lược tự chủ, tránh bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ cũng như không muốn bị coi là chạy theo Mỹ.

Châu Âu, với đầu tàu là Pháp và Đức, vẫn tuyên bố Trung Quốc là đối tác sống còn về kinh tế nhưng cũng là đối thủ mang tính hệ thống, trong khi Mỹ là đồng minh chiến lược.

Sau khi đắc cử tổng thống, Joe Biden hứa đưa nước Mỹ trở lại gánh vác các vấn đề lớn của thế giới và làm sống lại quan hệ đồng minh. Những hoạt động ngoại giao cấp tập của Washington với các đồng minh gần đây cho thấy “nước Mỹ đang trở lại.”

Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo châu Âu và một trong những trọng tâm của cuộc họp vẫn là thiết lập một mặt trận rộng lớn nhằm đối phó với Trung Quốc.

Asia Times dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng sự trả đũa của Bắc Kinh sẽ đưa EU và Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Tuần trước, Brussels thông báo sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, văn bản xác định cách thức EU can dự tại châu Á, trước mùa Hè tới.

Châu Âu cho rằng khối này phải mạnh mẽ và dám đối đầu với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định thì mới được Trung Quốc tôn trọng, qua đó duy trì được lợi thế và lợi ích trong quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điều này đã thể hiện rất rõ trong các tuyên bố cứng rắn mà lần đầu tiên EU nêu ra trong các vấn đề như Hong Kong, Tân Cương hay tự do hàng hải ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) trong thời gian gần đây.

Thực tế là dù đã bớt ngây thơ trước Trung Quốc kể từ năm 2017, lợi ích quốc gia cũng như tầm nhìn địa chính trị của các nước thành viên EU không giống nhau. Libération nhấn mạnh rằng EU không thể quên rằng 12 nước thành viên của khối hiện còn thuộc nhóm 17+1 do Bắc Kinh lập ra vào năm 2012 gồm các nước Trung Âu và Đông Âu, với “mồi nhử” đầu tư để làm yếu đi Tây Âu.

Theo Libération Bắc Kinh đã chọn lựa mắt xích yếu nhất trong mặt trận phương Tây là EU để tấn công một cách thô bạo.

Đi tìm lý do

Theo Asia Times, rất có thể Bắc Kinh tin rằng hành động trả đũa sẽ khiến EU chia rẽ nhiều hơn nữa, điều từng nhiều lần đem lại lợi ích cho chính Bắc Kinh.

Thực tế là những chia rẽ đó đã quá rõ ràng: Sau khi EU thông báo trừng phạt các quan chức Trung Quốc ngày 22/3, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto gọi các hành động của Brussels là “vô nghĩa, tự đánh bóng và gây hại.”

Hungary đã nhiều lần đứng về phía Bắc Kinh trong những năm gần đây. Một số quốc gia EU, bao gồm Hungary, Cộng hòa Séc và Ba Lan, hiện cũng đang cố gắng bảo đảm nguồn cung vaccine COVID-19 từ Trung Quốc.

Một số nhà phân tích dự đoán nếu Bắc Kinh đe dọa giữ lại vaccine, các tiếng nói phản đối biện pháp trừng phạt của Brussels nhằm vào giới chức Tân Cương có thể gia tăng. Một giải thích khác với hành động trả đũa của Trung Quốc có thể là bởi quốc gia này vốn không coi quan hệ với EU - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - là điều không thể thiếu như người ta vẫn nghĩ. Brussels thậm chí còn là “nạn nhân mới nhất” trong chiến lược ngoại giao chiến lang của Trung Quốc, khi các quan chức của Bộ Ngoại giao nước này được Bắc Kinh cho phép đáp trả những chỉ trích từ bên ngoài một cách gay gắt và thậm chí là thô bạo.

Bắc Kinh có thể tính toán rằng họ sẽ nhanh chóng ghi điểm với lực lượng chủ nghĩa dân tộc bằng cách khiển trách các quan chức phương Tây, nhưng chưa đến mức làm leo thang căng thẳng, do biết rõ sự dè dặt “truyền thống” của EU trong việc kích động các mối quan hệ thù địch với các cường quốc toàn cầu.

Tuy nhiên, đây cũng có thể sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, vốn có lịch sử xa lánh các đồng minh tiềm năng và gây nguy hiểm cho các mối quan hệ đối ngoại chỉ vì mục tiêu dân tộc chủ nghĩa trong nước.

Các quan chức EU, những người quen áp đặt các biện pháp trừng phạt hơn là những người bị trừng phạt, giờ đây có thể dễ dàng tập hợp hơn so với lực lượng vốn ủng hộ Trung Quốc trong khu vực, và sẽ tìm cách bảo vệ danh tiếng của châu Âu, thậm chí là có thể tiến gần hơn tới đường lối suy nghĩ của Mỹ về một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục