Thỏa thuận hạt nhân Iran - "Canh bạc" mạo hiểm của ông chủ Điện Elysée

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra đề xuất về một thỏa thuận bổ sung mới với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và cắt giảm chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran - "Canh bạc" mạo hiểm của ông chủ Điện Elysée ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Quốc hội Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu và Mỹ đang thương lượng để tìm cách điều chỉnh nội dung thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm loại bỏ khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hiện tại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra đề xuất về một thỏa thuận bổ sung mới với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và cắt giảm chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này.

Còn chưa rõ thỏa thuận này có được chấp thuận rộng rãi và có triển vọng áp dụng hay không, nhưng động thái mới của ông chủ Điện Elysée đã phần nào làm không khí xoay quanh thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran trở nên sôi động hơn với những phản ứng tức thì từ các bên liên quan.

Tháng 7/2015, sau nhiều năm dài bền bỉ thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Tehran cuối cùng đã đạt được Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA. Trong đó, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, ngay khi lên cầm quyền vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa thỏa thuận được ký kết dưới thời chính phủ tiền nhiệm vào tầm ngắm theo đúng cam kết tranh cử và liên tục đe dọa rút khỏi thỏa thuận mà ông cho là "tồi tệ chưa từng thấy."

[Tổng thống Pháp bi quan về tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran]

Theo quan điểm của vị tỷ phú bất động sản, thỏa thuận có ba điểm cần sửa đổi vì chưa bao trùm ảnh hưởng lên chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran, chưa tạo đủ điều kiện cần thiết cho các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các địa điểm hạt nhân và quân sự của Iran và đặc biệt là chỉ kiềm chế chương trình hạt nhân Iran trong vòng 10 năm.

Ông chủ Nhà Trắng đã gia hạn cho các quốc gia châu Âu tham gia JCPOA tới ngày 12/5 phải tìm ra cách giải quyết để siết chặt thỏa thuận này, nếu không Mỹ sẽ rút lui và đây có thể sẽ là dấu chấm hết cho thành quả nhiều năm nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ của các bên liên quan.

Cách tiếp cận mới của Tổng thống Macron đối với JCPOA, đồng thời giữ nguyên thỏa thuận gốc trong khi đàm phán về những thỏa thuận bổ sung, được xem là nỗ lực xoa dịu sự phản đối gay gắt của người đồng cấp Mỹ và dung hòa với quan điểm của Paris rằng không thể xóa bỏ thỏa thuận lịch sử năm 2015. Đây cũng là đề xuất từng được chia sẻ với các các quốc gia châu Âu khác tham gia thỏa thuận là Anh và Đức.

Ông Macron đã miêu tả về bốn trụ cột chính cần theo đuổi xuyên suốt, gồm chương trình hạt nhân Iran hiện đang nằm trong nội dung chính của thỏa thuận gốc (hạn chế mọi hoạt động hạt nhân của Iran cho đến năm 2025) và ba trụ cột khác sẽ nêu trong nội dung của thỏa thuận bổ sung.

Ba trụ cột này khá "tương thích" với những quan ngại của Tổng thống Mỹ gồm hoạt động hạt nhân Iran sau năm 2025 khi các điều khoản "cuối giai đoạn" bắt đầu có hiệu lực, các hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo của Iran và những biện pháp chính trị giúp kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran tại các quốc gia trong khu vực gồm Yemen, Syria, Iraq và Liban.

Thỏa thuận hạt nhân Iran - "Canh bạc" mạo hiểm của ông chủ Điện Elysée ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp tại Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khi nêu ra đề xuất mới này, Tổng thống Macron cũng "che chắn" khá kỹ khi nhấn mạnh vai trò của ông không phải là đề thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ những cam kết trong chiến dịch tranh cử, mà thay vào đó, ông đang cố gắng chứng minh rằng JCPOA là "có ý nghĩa" và cần được duy trì.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ sau đó, ông Macrom thậm chí còn khẳng định "Iran sẽ không sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào trong lúc này, hay trong 5, 10 năm tới và cũng sẽ không bao giờ có trong tương lai."

Báo giới quốc tế nhận định "nước cờ" này của Tổng thống Pháp Macron là cách để "kéo dài thời gian" tìm cách cứu vãn thỏa thuận gốc mà bản thân ông chủ Điện Elysée thừa nhận "không có phương án nào tốt hơn." Tuy nhiên, bước đi của ông Macron quá nhiều rủi ro và khó có thể khả thi.

Câu trả lời cũng không cần phải đợi lâu bởi Iran ngay lập tức đã phản đối. Chưa đầy 24 giờ sau đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đưa ra một chính sách rõ ràng và đầy thách thức với ý tưởng thay đổi nội dung JCPOA rằng Tehran sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ thay đổi nào với thỏa thuận này. Ông khẳng định "hoặc là kết thúc hoặc là không. JCPOA nếu tồn tại thì sẽ tồn tại với nguyên vẹn nội dung."

Bên cạnh đó, ông Rouhani cũng thể hiện sự hoài nghi với tính hợp pháp trong đề xuất của Mỹ và Pháp. Ông nhấn mạnh thông qua việc chấp nhận thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 này, Iran đã chứng minh thiện chí với cả thế giới rằng nước cộng hòa Hồi giáo không theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thỏa thuận hạt nhân Iran - "Canh bạc" mạo hiểm của ông chủ Điện Elysée ảnh 3Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không chỉ Iran mà ngay cả ở châu Âu, nơi các quốc gia vẫn liên tục kêu gọi Washington duy trì thiện chí xây dựng thỏa thuận thay vì phá bỏ, những tiếng nói bảo vệ thỏa thuận nguyên bản cũng liên tục được đưa ra. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định rõ ràng "có một thỏa thuận hạt nhân Iran đang tồn tại, đang hoạt động và cần phải được bảo toàn."

Từ Berlin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul cho biết chính phủ nước này giữ nguyên quan điểm ưu tiên cao nhất cho phương án duy trì thỏa thuận hạt nhân, cũng như việc tất cả các bên tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này.

Quan chức trên nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran hiện hành là kết quả của các cuộc đàm phán giữa bảy quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), do đó nó không thể đàm phán lại. Với tư cách là một trong những bên liên quan trực tiếp tới vấn đề còn gây tranh cãi này, Nga tuyên bố không có "lựa chọn thay thế" nào cho thỏa thuận hạt nhân Iran.

Giới chuyên gia cũng đưa ra những nhận định trái chiều về đề xuất của Tổng thống Pháp. Nhà nghiên cứu Luigi Scazzieri thuộc Trung tâm cải cách châu Âu (CER) đánh giá tuy chưa cam kết gì cụ thể, nhưng Tổng thống Mỹ tỏ vẻ cởi mở với những ý tưởng của ông Macron, vì vậy đề xuất này có thể được coi là tạo ra "một số hy vọng" cho những người ủng hộ thỏa thuận.

Trong khi đó, Cơ quan chiến lược Diplomacy Works do cựu Ngoại trưởng John Kerry sáng lập cho rằng ông Macron có vẻ rất tự tin rằng ý tưởng về một thỏa thuận bổ sung sẽ giúp "níu kéo" Mỹ ở lại với thỏa thuận gốc.

Nhóm này nhận định cách tiếp cận của Tổng thống Pháp "có ý nghĩa" bởi những vấn đề mới đề cập trong đó lâu nay vẫn được cho là sẽ được thỏa thuận riêng rẽ, song trên thực tế sẽ khó có thể đạt được thỏa thuận về những vấn đề này mà không đi kèm với thỏa thuận hạt nhân diện hẹp và hiệu quả cao.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Christopher Ford cũng hy vọng đề xuất của Tổng thống Pháp sẽ giúp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân trước những thử thách mà ông chủ Nhà Trắng đặt ra.

Tuy nhiên, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, Brian Hook, người đang trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán điều chỉnh JCPOA giữa Mỹ và châu Âu, thì thận trọng hơn khi cho rằng hiện quá sớm để kết luận liệu Mỹ và châu Âu có thể kết thúc quá trình đàm phán với một cách tiếp cận chung hay không vì hai bên vẫn tồn tại nhiều khác biệt.

Còn đối với chuyên gia nghiên cứu người Pháp Celia Belin từ viện chiến lược Brookings Institution ở Washington, đề xuất của ông Macron "quá tham vọng đến nỗi trông có vẻ như sẽ không khả thi" và rất khó để dự đoán xem "canh bạc" này sẽ diễn ra như thế nào.

Chuyên gia nghiên cứu Behnam Ben Taleblu tại Foundation for Defense of Democracies cho rằng đây chỉ là một cách tiếp cận khác mà ông Macron đưa ra để bao bọc vấn đề. Chuyên gia này cũng lưu ý rằng nếu không có sự tham gia của Iran, Trung Quốc và Nga trong thỏa thuận bổ sung thì sớm muộn gì vấn đề cũng sẽ nảy sinh bởi mấu chốt là liệu Iran cuối cùng có "thích ứng với thay đổi hay không."

Ngay cả Tổng thống Macron cũng không thể "tự tin" sau đề xuất mới khi cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể vẫn rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vì những lý do chính trị trong nước.

Tất cả đang đẩy ông chủ Điện Elysée vào "canh bạc" mạo hiểm bởi kết quả của sứ mệnh "cứu hộ" thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Macron đưa ra trước chuyến thăm Mỹ lần này phải chờ ít nhất tới ngày 12/5 mới rõ ràng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục