Thỏa thuận hạt nhân Iran: Định hình lại thị trường dầu mỏ

Sự xuất hiện trở lại của nhân tố Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa nước này và nhóm P5+1 được cho là sẽ định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tương lai không xa.
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Định hình lại thị trường dầu mỏ ảnh 1Sự xuất hiện trở lại của nhân tố Iran được cho là sẽ định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tương lai không xa. (Nguồn: russia-insider.com)

Sau 13 năm đàm phán khó khăn và có lúc tưởng chừng “giữa đường đứt gánh”, ngày 14/7 tại thủ đô Vienna của Áo, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) cuối cùng đã đạt được.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với P5+1 mở ra cho nền kinh tế nhiều năm bị bao vây và cấm vận của Iran cơ hội tiếp cận thị trường vốn và công nghệ toàn cầu. Cùng với đó, quốc gia có trữ lượng dầu thô được kiểm chứng lớn thứ tư thế giới này cũng sẵn sàng tái gia nhập thị trường. Sự xuất hiện trở lại của nhân tố Iran được cho là sẽ định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tương lai không xa.

Để đánh giá về thị trường dầu mỏ hậu thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao.


- Thưa tiến sỹ Đỗ Sơn Hải, trước sự kiện lịch sử ngày 14/7 vừa qua tại Vienna, nguồn cung dầu mỏ trên thị trường thế giới được định hình như thế nào?


Ông Đỗ Sơn Hải:
Khu vực Trung Đông là khu vực cung cấp sản lượng dầu mỏ (dầu truyền thống) lớn nhất trên thế giới, trong đó Saudi Arabia thường được gọi là cánh chim đầu đàn trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Giá dầu cao từng là nguyên nhân thúc đẩy tìm kiếm nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như gió, nhiệt, nước hay cuộc chạy đua khai thác dầu từ đá phiến sét tại Mỹ. Tuy nhiên, dầu khí truyền thống từ Trung Đông, Nga, khu vực Bắc Phi và Mỹ Latinh vẫn đang là nguồn cung cơ bản nhất, phục vụ đời sống của nhân loại cho đến ngày hôm nay.

- Cuộc chiến tranh giành thị phần giữa dầu truyền thống từ Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh và dầu đá phiến từ Mỹ đã tác động như thế nào đến thị trường dầu mỏ?

Ông Đỗ Sơn Hải: Mười năm trở lại đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta biết rằng cuộc chiến giữa dầu đá phiến và dầu truyền thống diễn ra khá gay gắt. Tuy nhiên, sản lượng dầu đá phiến hiện nay mới chỉ chiếm 1/10 tổng sản lượng dầu trên thế giới. Nhiều người cho rằng nguyên nhân giá dầu lao dốc do sự xuất hiện của dầu đá phiến.

Nhưng theo tôi, việc giá dầu sụt giảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ vì dầu đá phiến. Nguyên nhân bắt nguồn từ cung nhiều hơn cầu, từ chiến tranh và từ các ý đồ chính trị khác nữa.

- Theo ông, đâu là những nguyên nhân sâu xa và quan trọng khiến giá dầu rơi từ đỉnh cao trên 100 USD/thùng xuống mức thấp khó tin khoảng 50 USD/thùng, thậm chí trước thỏa thuận hạt nhân Iran?

Ông Đỗ Sơn Hải: Năm 2008, giá dầu đã có lúc chạm đỉnh khoảng 160 USD/thùng, song sau đó liên tục giảm giá. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng sụt giảm của giá dầu vẫn có khả năng diễn ra. Dưới góc độ coi dầu lửa là một sản phẩm hàng hóa trên thị trường, việc hàng hóa hạ giá liên quan tất yếu đến quy luật cung cầu, nghĩa là nhu cầu về dầu mỏ giảm sẽ kéo theo giá thành đi xuống.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn dưới một góc độ khác, không phải vô cớ người ta gọi dầu lửa là “vàng đen.” Nguồn “vàng đen” này quyết định sự tồn vong của nhiều quốc gia như Nga, Venezuela, Nigeria, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hay ngay cả với các nước nhập khẩu dầu lửa như Trung Quốc hay Việt Nam, dầu lửa cũng có thể bị thao túng trở thành món hàng chính trị.

Dầu đá phiến không phải là nguyên nhân cốt yếu gây nên nhưng kỹ thuật khai thác dầu đá phiến lại mang một ý nghĩa lớn. Nếu công nghệ khai thác mở ra hướng đi mới, giá dầu đá phiến phải giao dịch từ 70 USD/thùng trở lên thì các nhà sản xuất mới có lãi. Tuy rằng kỹ thuật khai thác dầu đá phiến mở ra hướng đi mới trong ngành dầu khí, nhưng nó cũng góp phần làm giá dầu lao dốc.

- Trong bối cảnh giá dầu liên tục sụt giảm, những nền kinh tế nào chịu tổn thất nhiều hơn cả và họ phải chuyển đổi mô hình kinh tế ra sao để có thể trụ vững?

Ông Đỗ Sơn Hải: Gần một năm trở lại đây, mọi người đều nói là các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ chịu sự tàn phá của “cơn bão” giá dầu lao dốc. Chẳng hạn, 96% ngân sách Venezuela có được nhờ xuất khẩu dầu hay con số này là gần 60% ở Nga. Trong khi đó, những nước nhập khẩu dầu lửa lại dễ thở hơn. Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo rằng với sự suy giảm của giá dầu thì kinh tế toàn cầu sẽ có thêm động lực tăng trưởng và chi tiêu dùng sẽ được kích thích. Tuy vậy, chúng ta đã quên rằng, từ đầu năm 2015 đến nay, những nước nhập khẩu dầu mỏ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam có hưởng được nhiều lợi ích hay không.

Chúng ta có thể thấy việc giá dầu hạ sẽ mang lại lợi ích đối với các ngành kinh tế sử dụng đến dầu mỏ, vậy với các ngành kinh tế không sử dụng đến nhiên liệu này thì sao? Vì vậy, tôi thấy rằng khó có thể đưa ra một bằng chứng thuyết phục về việc được lợi của các nước nhập khẩu dầu. Ngay cả có lợi, các nước này có sử dụng điểm này để kích hoạt nền kinh tế hay không lại là một vấn đề khác.

- Theo ông, cục diện thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào với sự tái xuất của Iran?


Ông Đỗ Sơn Hải:
Một khi Iran chính thức thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây, sản lượng dầu của nước này có thể đạt ngưỡng xấp xỉ 4 triệu thùng/ngày, làm cho nguồn cung dầu toàn cầu dồi dào thêm. Tuy nhiên, Iran bị bao vây cấm vận hơn một thập niên qua, ngành dầu khí tuy chưa "chết" hẳn nhưng cũng ở tình trạng “hô hấp nhân tạo.”

Vì vậy, ngành dầu khí của Iran cần thời gian và nguồn tài chính để phục hồi. Trước đó, tuyên bố của Tổng thống Iran về việc trong vài tháng tới nước này có thể tham gia vào thị trường dầu lửa bình thường, đẩy nguồn cung dầu lửa thế giới sẽ tăng lên; song thực tế, quyết định nâng sản lượng dầu lên 30 triệu thùng của OPEC đã dấy lên nhiều mối quan ngại và có ý kiến cho rằng đây ý đồ thiên về chính trị.

Trong khi đó, những nước khai thác dầu hiện nay chủ yếu ở khu vực Trung Đông hiện đang chìm trong khói lửa. Việc Iran tham gia vào thị trường dầu mỏ đã bão hòa cũng sẽ chỉ làm phong phú thêm chứ không đóng góp nhiều cho nguồn cung dầu mỏ. Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nhu cầu dầu lửa cũng bị giảm sút nhưng tạm thời theo tôi, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn chưa được thể hiện một cách rõ nét.

- Với việc định hình lại thị trường dầu mỏ một khi lệnh trừng phạt Iran được gỡ bỏ, ông dự báo giá dầu sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Ông Đỗ Sơn Hải: Đây có thể nói là bài toán khó đối với nhiều nhà kinh tế. Nhiều nhà kinh tế cho rằng từ nay đến hết năm 2015, giá dầu sẽ không vượt ngưỡng 60 USD/thùng và cũng không thể tụt xuống đáy là 40 USD/thùng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác thì với quyết định cho phép xuất khẩu dầu khí siêu nhẹ của Bộ Thương mại Mỹ, giá dầu có thể còn xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng.

Với mức này, cả những nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu lửa đều không được hưởng lợi. Hơn nữa, nó còn làm giảm sự phát triển của nguồn năng lượng tái tạo. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tháng trước đã quyết định hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015. Với quyết định này, các chuyên gia cho rằng việc giá dầu giảm chưa chắc đã giúp kinh tế toàn cầu đi lên

- Liệu sau thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 sẽ có thỏa thuận nào về chia sẻ lợi ích và tăng cường sức mạnh trong OPEC hay không?

Ông Đỗ Sơn Hải: Quyết định của nhóm 4 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC là Saudi Arabia. UAE, Qatar và Kuwait về việc giữ nguyên sản lượng dầu mỏ 30 triệu thùng/ngày, khiến nhiều nước nhập khẩu dầu mỏ yên tâm về nguồn cung.

Với tổng lượng ngoại tệ dự trữ của 4 quốc gia trên hiện ở mức cao là 327 tỷ USD, giá dầu có chạm đáy cũng không khiến họ lo ngại nhiều, song họ lại quên hơn 10 nước còn lại. Nếu không có sự chia sẻ, không có những quyết định sáng suốt hơn, OPEC sẽ có thể bị chia rẽ trong nội bộ.

Tại sao OPEC và Nga không có sự phối hợp, người ta cứ nói câu chuyện giá dầu này mang tính chính trị kết hợp giữa Saudi Arabia và Mỹ để phong tỏa Nga nhưng tôi nghĩ đây chỉ là đánh giá mang tính chủ quan.

OPEC hiện bị chia rẽ thành hai, một bên hứng khá nhiều thiệt hại khi phải tuân thủ quy định của OPEC; bên còn lại cũng chịu không ít thất thiệt bởi toàn bộ nền kinh tế của họ phụ thuộc vào dầu lửa. Chúng ta cũng phải công nhận rằng những nguồn năng lượng khác bổ trợ cho loại dầu truyền thống đã xuất hiện và sẽ ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, những nhà xuất khẩu dầu truyền thống phải có sự thay đổi. Chúng ta hy vọng rằng sẽ có những sự thay đổi lớn trong OPEC và trong mối quan hệ giữa Nga với OPEC.

- Những thay đổi trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sau ngày 14/7 vừa qua đang và sẽ ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu chế phẩm dầu mỏ của Việt Nam?

Ông Đỗ Sơn Hải: Có thông tin là nếu giá dầu giảm 1 USD thì ngân sách của Việt Nam sẽ giảm 1.000 tỷ đồng. Cho đến nay nguồn ngân sách của nước ta thu được từ dầu khí là 93.000 tỷ đồng và đương nhiên giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành dầu khí.

Thời gian qua, giá xăng dầu Việt Nam đã giảm 3 lần, song không ảnh hưởng đến đời sống của người Việt Nam, vì giá xăng dầu lên xuống không đáng kể. Tuy nhiên, nếu giá dầu thế giới giảm xuống dưới 30 USD/thùng thì việc khai thác ngoài khơi của Việt Nam không tránh khỏi rơi vào cảnh tê liệt bởi giá thành cao. Chính vì vậy, ngành dầu khí Việt Nam đã đến lúc cần xem xét để đưa ra những phương hướng hoạt động và cải cách một cách cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, giá dầu đi xuống cũng giúp việc nhập khẩu các chế phẩm dầu mỏ của Việt Nam dễ thở hơi. Thế nhưng, tôi vẫn băn khoăn một điều là tại sao giá dầu hạ mà những nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu không nắm bắt được cơ hội này để thúc đẩy kinh tế phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục