Thỏa thuận hòa bình Trung Đông chưa bắt đầu đã thất bại?

Ông Jared Kushner và Tổng thống Mỹ Trump đều không thể thấu hiểu được cốt lõi của vấn đề là sự khó khăn của người Palestine nằm ở sự tuyệt vọng đối với vị thế một nhà nước.
Thỏa thuận hòa bình Trung Đông chưa bắt đầu đã thất bại? ảnh 1Người biểu tình Palestine trong cuộc xung đột với binh sỹIsrael ở thành phố Khan Younis, khu vực biên giới với Israel ở Dải Gaza ngày 15/5/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã niệm câu thần chú “thịnh vượng” khi ông trình bày dự án kinh tế nhằm tháo gỡ cuộc xung đột khó giải quyết giữa Israel và Palestine tại một hội nghị tổ chức ở Manama (Bahrain) hồi tuần trước.

Mặc dù cuộc trò chuyện bắt đầu bằng một sự hứng khởi, song hội nghị đã kết thúc trong không khí u ám, và lý do chính là bởi Kushner, và nhiều khả năng là cả Tổng thống Trump, đều không thể thấu hiểu được cốt lõi của vấn đề, sự khó khăn của người Palestine không chỉ nằm ở sự thiếu phát triển hay một cuộc khủng hoảng tài chính, mà là sự tuyệt vọng đối với vị thế một nhà nước.

Ông Kushner cho biết chính quyền Trump đang xúc tiến một “chương trình mới” - lợi ích kinh tế đi trước giải pháp chính trị - để xây dựng một bầu không khí hòa bình tại một khu vực nơi hầu hết những điều được đề xuất trước kia đều đã tất bại.

[Mỹ có thể công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông trước ngày 17/9]

Tuy nhiên, đa số giới chuyên gia đều kết luận rằng không có gì mới trong kế hoạch này. Hầu hết trong đó đều đã được thảo luận trong nhiều giai đoạn trước đó ở các thể chế như là Ngân hàng Thế giới.

Ông Kushner muốn thiết lập một bầu không khí đầu tư thân thiện ở Palestine, qua đó tạo điều kiện cho một dòng tiền mặt trị giá 50 tỷ USD đổ vào đây, trong đó một nửa là dành cho việc phát triển Palestine, còn một nửa dành cho các quốc gia láng giềng đang tiếp nhận người tị nạn Palestine.

Ông cho biết ý tưởng này nhằm cho các bên liên quan thấy được những lợi ích có được từ các thỏa thuận kinh tế để họ chuẩn bị sẵn sàng cho những thỏa hiệp tiếp theo trong vấn đề chính trị. Tuy nhiên, ông đã từ chối tiết lộ cách thức cụ thể mà ông sẽ làm để giải quyết các vấn đề nan giải vốn đang khiến các cuộc đàm phán hòa bình bế tắc. Ông không đề cập một từ nào đến những yêu cầu của phía Palestine về một nhà nước có chủ quyền với Đông Jerusalem là thủ đô, cũng như quyền được quay trở về nước của những người tị nạn Palestine.

Do có ít nhất hai điều trên đây bị Israel coi là không thể đàm phán, và chính quyền Mỹ hiện nay thì không ngần ngại ủng hộ Tel Aviv, rất khó để tưởng tượng người Palestine sẽ chấp nhận bất kỳ kế hoạch nào mà Kushner hay Trump đề ra.

Cả Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Bờ Tây lẫn Hamas ở Gaza đều phản đối kế hoạch của Kushner. Họ nói Mỹ đang cố gắng “mua chuộc” họ để họ thông qua và dàn xếp cho những điều không thể chấp nhận được. Họ yêu cầu Mỹ công khai ý đồ chính trị trong thỏa thuận này.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết tiền là thứ PLO có thể tự thu xếp từ các nhà tài trợ Arập, chính là những người đã hào phóng cung cấp 50 tỷ USD cho Kushner.

Còn ông Donald Trump đã sai lầm khi cho rằng người Palestine sẽ thỏa hiệp về các quyền lợi chính trị của họ chỉ để đổi lấy vài tỷ USD. Các chính sách của chính phủ ông ta, vốn cắt gọt những khoản tài trợ dành cho Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, chắc chắn đã gây khó khăn nhiều hơn cho những người tị nạn Palestine.

Thậm chí cả những nước tiếp nhận họ cũng đã thằng thừng từ chối khoản tiền của Kushner: Liban, dù đang chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, cũng đã từ chối khoản tiền 6 tỷ USD.

Các chính trị gia Liban viêc yêu cầu họ chấp nhận những người Hồi giáo dòng Sunni mà họ tiếp nhận từ Palestine là công dân nước mình - điều kiện trao đổi mà Kushner đề ra - là điều không thể với chính giới Liban, bởi điều này có thể làm thay đổi sự cân bằng nhân khẩu học trong nước, qua đó ảnh hưởng đến vấn đề chính trị.

Quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem hồi năm ngoái mang ý nghĩa thừa nhận nó là thủ đô Israel, chứ không phải thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai, cũng như là quyết định thừa nhận Cao nguyên Golan của Syria là một phần lãnh thổ của Israel, đã khiến cộng đồng người Arab khó chịu.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) vừa tổ chức tại thành phố Mecca của Saudi Arabia, thế giới Hồi giáo đã lên tiếng phản đối bất cứ sự thỏa hiệp nào mà không đạt được sáng kiến Hòa bình Arab, trong đó đòi hỏi một giải pháp hai nhà nước.

Ông Jared Kushner và cả tầm nhìn của ông Donald Trump đều bị chế nhạo vì một ý tưởng bị coi là không hiểu gì về một cuộc xung đột mà trong đó nhiều thế hệ chính trị gia toàn cầu đều đã gặp vướng mắc.

Thành tựu duy nhất mà Mỹ và Israel có vẻ đã đạt được là việc một số doanh nghiệp Arab có thể bắt đầu công khai làm ăn với Israel, và qua đó thừa nhận sự tồn tại của Israel. Đây có thể là bước đi đầu tiên để một số nhà nước Arab không còn coi Israel là điều cấm kỵ trong thế giới Arab, như điều mà Ngoại trưởng Bahrain phát biểu với báo giới Israel khi kết thúc hội nghị rằng Israel là một đất nước ở Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục