Thỏa thuận Idlib giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ: Một bài học cho Mỹ

Thỏa thuận Nga-Thổ có thể là một bài học cho chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông khi nó cho thấy rằng các mục tiêu của một đất nước có thể đạt được và xung đột có thể tránh được.
Thỏa thuận Idlib giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ: Một bài học cho Mỹ ảnh 1Người dân Syria sơ tán đến khu vực an toàn để tránh chiến sự ở phía bắc tỉnh Idlib ngày 6/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về một giải pháp ngoại giao cho tỉnh Idlib của Syria trong một cuộc gặp của hai bên tại thành phố Sochi (Nga) hôm 17/9 vừa qua.

Kết quả này diễn ra sau nhiều tuần lo ngại rằng chế độ Syria, được hậu thuẫn bởi các đồng minh Nga và Iran, sẽ tấn công vào thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria - một khu vực có hàng triệu dân thường sinh sống đồng thời là căn cứ địa của các nhóm cực đoan và nổi dậy.

Thỏa thuận Nga-Thổ có thể là một bài học cho chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông. Nó cho thấy rằng các mục tiêu của một đất nước có thể đạt được và xung đột có thể tránh được, miễn sao sức mạnh quân sự là một lựa chọn rõ ràng và một đất nước cần nhận được sự hậu thuẫn của các đồng minh.

Trong trường hợp này, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết với các đồng minh của họ, không muốn chứng kiến các đồng minh bị đánh bại hoặc đối mặt với nguy cơ thua trận.

[Nga-Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến thành lập khu vực phi quân sự tại Idlib]

Trong thập kỷ qua, khu vực Trung Đông đã phải chịu cảnh hỗn loạn chưa từng có bởi sự đổ vỡ của các quốc gia và sự nổi lên của các nhóm cực đoan. Sự hỗn loạn đỉnh điểm vào năm 2014 khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm đóng các dải đất rộng lớn ở Syria và Iraq, một khu vực cỡ bằng bang Pennsylvania của nước Mỹ với dân số khoảng 10 triệu người.

Chính sách của Mỹ ở khu vực này thiếu sự rõ ràng và các đồng minh của Mỹ nhận thấy rằng Washington thường xuyên thay đổi chính sách. Ví dụ, dưới thời chính quyền B.Obama, Mỹ ngấm ngầm hậu thuẫn các lực lượng nổi dậy Syria, nhưng cuối cùng rút lại sự ủng hộ dưới thời Tổng thống D.Trump.

Israel lo ngại rằng thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Tehran và đã quyết định hành động một mình ở Syria với kế hoạch ném bom chiến lược chống lại ảnh hưởng gia tăng của Iran. Saudi Arabia đã phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran và ca ngợi những động thái cô lập Tehran gần đây của chính quyền Trump. Mỹ cũng đã tìm cách xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Ankara buộc tội Washington huấn luyện một “quân đội khủng bố” ở phía đông Syria.

Thỏa thuận Idlib giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ: Một bài học cho Mỹ ảnh 2Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Sochi, Nga ngày 17/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại Iraq, chính sách của Mỹ là không kiên định, khiến các đồng minh nản lòng còn kẻ thù được tăng thêm sức mạnh. Năm 2010, Mỹ đã ủng hộ cựu thủ tướng Nouri al-Maliki nắm quyền điều hành Iraq khi quân đội Mỹ rút đi. Năm 2014, khi các chính sách của Maliki không mấy thân thiện với các khu vực của người Arab dòng Sunni ở Iraq và tổ chức hồi giáo cực đoan IS gia tăng đối đầu với quân đội Iraq, Mỹ đã ủng hộ Thủ tướng Haider al-Abadi. Cả hai người này đều thuộc đảng Hồi giáo Dawa dòng Shia và có quan hệ gần gũi với Iran.

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách Mỹ nghĩ rằng Thủ tướng Abadi sẽ đem lại sự ổn định sau khi IS bị đánh bại năm 2017. Khi cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với Thủ tướng Abadi rằng phiến quân dòng Shia được Iran hậu thuẫn nên “trở về nhà,” ông Abadi đã bác bỏ và nói rằng lực lượng bán quân sự này là “hy vọng của Iraq và khu vực.”

Các đồng minh người Kurd ở miền bắc Iraq đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập vào năm ngoái, với hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ người Kurd - những người từng chiến đấu cùng với Mỹ chống lại Saddam Hussein và sau đó là các nhóm cực đoan dòng Shia và tổ chức IS.

Thay vì, Mỹ đã hắt hủi khu vực người Kurd và ủng hộ Abadi. Tháng 5/2018 vừa qua, Abadi đã lên nắm quyền lần thứ ba sau cuộc bầu cử ở Iraq - và Washington hiện nay một lần nữa lo ngại rằng họ có thể “mất Iraq.”

Các thượng nghị sỹ Mỹ đang cố gắng trừng phạt các phiến quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Washington cuối cùng đang đối đầu với sự can thiệp của Iran.

Tại Syria, Mỹ cũng có các đồng minh người Kurd, những người muốn có mối quan hệ gần gũi hơn và muốn có sự đảm bảo rằng cuộc chiến đấu vất vả của họ chống IS sẽ được đền đáp bằng quyền tự trị tiếp tục của họ. Washington tỏ ra thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ ngoại giao khi thảo luận về vấn đề phía đông Syria hay việc ủng hộ Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), và chưa bao giờ đề cập cụ thể đến cam kết dài hạn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói SDF đã “gánh vác trách nhiệm nặng nề” chống lại IS. Vì vậy, Mỹ nhận thức được rằng SDF gồm đa phần người Kurd là yếu tố then chốt để đánh bại IS ở Syria, nhưng Washington không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.

Bài học từ thỏa thuận Idlib là việc Mỹ nên nhận thức rõ ràng rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã giúp các đồng minh của họ. Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rõ với các đồng minh nổi dậy Syria rằng nước này sẽ không bỏ rơi họ ở Idlib. Nga đã đứng về phía chế độ Syria. Theo thỏa thuận Idlib, các loại vũ khí hạng nặng sẽ được rút khỏi trận tuyến và thiết lập một khu phi quân sự từ 15-20km. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí loại bỏ các nhóm cực đoan khỏi Idlib và Nga sẽ cố gắng kiềm chế các cuộc tấn công của chế độ Syria.

Mỹ đã không đưa ra các cam kết rõ ràng cho các đồng minh của mình ở Syria. Ở Iraq, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ hy vọng về một chính phủ “theo chủ nghĩa dân tộc” mới ở Baghdad. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gần đây lên án nỗ lực của Iran làm suy yếu Iraq và tấn công tên lửa đạn đạo vào khu vực người Kurd. Việc lên án Iran can thiệp vào Iraq là một bước đi tốt - nhưng Mỹ cần chứng tỏ rằng họ đang ủng hộ các đồng minh của mình vào thời điểm này, chứ không chỉ “nói đãi bôi” để cân bằng lợi ích.

Nếu các kẻ thù của Mỹ ủng hộ các đồng minh của họ, khi đó Mỹ phải ủng hộ các bạn bè của mình. Thỏa thuận Idlib cho thấy rằng hòa bình có thể đạt được bằng sức mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục