Thỏa thuận sẽ mang lại hòa bình cho Nam Thái Lan?

Báo Dân tộc (Thái Lan) mới đây đăng bài phân tích sự kiện Chính phủ Thái Lan ký thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân Mặt trận Cách mạng Dân tộc (BRN) ngày 28/2, trong đó nhận định thỏa thuận này sẽ không có bất kỳ tác động nào đến cuộc nổi dậy cũng như tình hình bạo lực ở khu vực miền Nam, với lý do BRN bị chia rẽ quá lớn.

Các quan chức Thái Lan, Malaysia và nhiều nguồn tin trong các phong trào ly khai khác đều không đánh giá cao vai trò cũng như ảnh hưởng của Hassan Thoyib - người đứng ra ký thỏa thuận hòa bình - đối với lực lượng phiến quân.
Báo Dân tộc (Thái Lan) mới đây đăng bài phân tích sự kiện Chính phủ Thái Lan ký thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân Mặt trận Cách mạng Dân tộc (BRN) ngày 28/2, trong đó nhận định thỏa thuận này sẽ không có bất kỳ tác động nào đến cuộc nổi dậy cũng như tình hình bạo lực ở khu vực miền Nam, với lý do BRN bị chia rẽ quá lớn.

Các quan chức Thái Lan, Malaysia và nhiều nguồn tin trong các phong trào ly khai khác đều không đánh giá cao vai trò cũng như ảnh hưởng của Hassan Thoyib - người đứng ra ký thỏa thuận hòa bình - đối với lực lượng phiến quân.

Các nguồn tin cho rằng nhiều nhà lãnh đạo ly khai khác có uy tín hơn Hassan bởi họ có khả năng chỉ huy và kiểm soát trên thực địa.

Tuy nhiên, họ không tham gia đàm phán bởi Chính phủ Thái Lan từ chối miễn trách nhiệm cho những người này. Hòa bình không thể đạt được khi chính phủ chìa tay hữu hảo với BRN, trong khi vẫn ra lệnh truy nã các phe nhóm phiến quân khác.

Cựu Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tawil Pliensri cho rằng việc chính phủ nâng cấp quan hệ với một nhóm phiến quân cá biệt không phải là cách làm thích hợp bởi còn có nhiều nhóm ly khai khác ở miền Nam.

Việc đặt cược vào Hassan, hy vọng Hassan có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo ly khai khác tham gia tiến trình hòa bình là khá viển vong. Ông Tawil kết luận: "Tôi không nghĩ rằng thỏa thuận ký kết với BRN sẽ kết thúc tất cả các vấn đề."

[Chính phủ Thái Lan và phiến quân muốn hòa đàm]

Thái Lan thực sự mong muốn mời Sapae-ing Basor, cựu giáo viên trường Hồi giáo Thamvithya Mulniti ở tỉnh Yala, tham gia cuộc đàm phán với Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanathabutr.

Sapae-ing bị cảnh sát Thái Lan coi là thủ lĩnh chủ chốt của BRN sống lưu vong tại Malaysia, nhưng ông đồng thời là nhà lãnh đạo tinh thần của đa số người dân Hồi giáo miền Nam.

Ở khía cạnh này, Sapae-ing có thể đóng vai trò liên kết rất cần thiết giữa những người nổi dậy, các nhà lãnh đạo ly khai lưu vong và cộng đồng Hồi giáo tại ba tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, ở vị trí “nhà lãnh đạo tinh thần,” Sapae-ing sẽ không thỏa hiệp và cho phép mình bị khai thác vì lợi ích chính trị.

Các nhà lãnh đạo ly khai lưu vong cũng cho rằng BRN không phải nhóm phiến quân duy nhất đang chiến đấu. Trong vụ tấn công căn cứ quân sự ở huyện Bacho tỉnh Narathiwat ngày 13/2, ít nhất 3 trong số 16 phiến quân thiệt mạng là thành viên của Tổ chức giải phóng thống nhất Patani (Pulo).

Về vai trò của Malaysia đối với tiến trình hòa bình này, những người có quan điểm cứng rắn trong chính phủ và quân đội Thái Lan cũng như các lãnh đạo ly khai cho rằng Malaysia không phải là nhà môi giới trung thực, nhưng là một bên có quyền lợi liên quan.

Những người theo đường lối cứng rắn nói rằng họ muốn trực tiếp giải quyết vấn đề với các lãnh đạo phong trào ly khai theo hình thức chung hoặc riêng.

Thỏa thuận hòa bình đã được các đại diện của Chính phủ Thái Lan và BRN ký kết tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) ngay trước thềm cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang ở thăm Malaysia và người đồng cấp nước chủ nhà Najib Razak.

Thủ tướng Najib cho biết các cuộc đàm phán hòa bình sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur trong hai tuần. Ông coi việc ký kết là "điểm khởi đầu của một quá trình lâu dài" bởi vì còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, nhưng nó là minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm chung nhằm tìm kiếm và thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở miền Nam Thái Lan.

Trong khi đó, Đài RFI đêm 2/3 đăng tải nhận xét của nhật báo Le Monde (Pháp) cho rằng thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Thái Lan và BRN không có nghĩa là một nền hòa bình lâu dài sẽ ngay lập tức xuất hiện tại ba tỉnh miền Nam Thái Lan vì còn ít nhất ba phong trào nổi dậy khác đang chiến đấu.

Báo Le Monde cho rằng hy vọng hòa bình vẫn còn xa vời vì các lãnh đạo BRN chưa thể kiểm soát được các chiến binh nổi dậy trẻ ở địa phương, những người vẫn thường tổ chức tấn công vào quân đội Thái Lan.

Một quan sát viên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại châu Á nhận định Chính phủ Thái Lan còn phải nỗ lực rất nhiều để chiếm được lòng tin của người Hồi giáo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục