Thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều vướng mắc

Những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề tài chính, định giá tài sản, mô hình quản lý sau khi cổ phần hóa.
Thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều vướng mắc ảnh 1Vận hành hệ thống cung ứng xăng dầu tại PV Oil Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và thoái vốn các Tập đoàn, Tổng công ty, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như dầu khí, phân phối điện, than, khoáng sản, hóa chất, xăng dầu…

Bước đầu, các tập đoàn, tổng công ty đã chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành nghề kinh doanh chính.

Tuy nhiên, tại Hội nghị "Tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc bộ giai đoạn 2011-2015, kế hoạch 2016-2020," do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/12, các ý kiến cho hay, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các vấn đề tài chính, định giá tài sản, mô hình quản lý sau khi cổ phần hóa, việc thực hiện các báo cáo một cách minh bạch, ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược…

Ông Phan Đăng Tuất, Phó trưởng ban thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết các nhà đầu tư chiến lược vẫn chủ yếu là nhà đầu tư trong nước chứ chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương.

Chia sẻ về những khó khăn này, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, ở các lĩnh vực như công nghiệp điện, khí, dịch vụ dầu khí hay hóa dầu..., vốn các doanh nghiệp này rất lớn nên khó tìm kiếm cổ đông chiến lược.

Thêm nữa, sau khi cổ phần hóa, tỷ lệ nắm giữ của PVN còn cao dẫn đến tâm lý cho rằng việc cổ phần hóa thực chất không thay đổi nhiều về phương diện quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa ngành này hầu hết là doanh nghiệp có tính đặc thù cao, chịu sự điều tiết về giá bán sản phẩm của Nhà nước nên mất nhiều thời gian chuẩn bị cổ phần hóa, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Cùng chung khó khăn với PVN, tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với 3 Tổng công ty thuộc TKV có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ thấp, không thu hút được nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua số lượng lớn, do tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các đơn vị này đều ở mức 98-99% vốn điều lệ trở lên.

Nhiều lao động từ bỏ quyền mua cổ phần theo cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp vì không được ưu đãi gì hơn so với cổ phần bán đấu giá công khai.

Trong thoái vốn ngoài ngành, khi tổ chức bán đấu giá, nhiều đơn vị bán không thành công do giá trị cao hơn so với giá trị sổ sách, dẫn đến việc phải giảm giá, kéo dài thời gian tái cơ cấu chung của TKV, thậm chí có đơn vị sau khi giảm giá bán vẫn không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá…

Đối với ngành điện, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho hay, do quy mô các Tổng công ty phát điện (GENCO) quá lớn nên việc tìm kiếm người mua hết số cổ phần muốn bán là không đơn giản. Đặc biệt, việc sắp xếp lại lao động dôi dư cũng là một thách thức không nhỏ.

Về khó khăn này, ông Phan Đăng Tuất cũng thừa nhận nhiều công ty con của Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí… có giá trị lên đến hàng tỷ USD nên gặp khó khăn trong thu hút vốn.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, bộ sẽ mời các nhà đầu tư lớn, uy tín, các tổ chức thương mại, công nghiệp của các quốc gia, tổ chức lớn như Mỹ, châu Âu, hay JICA để cùng tổ chức hội nghị, mời các doanh nghiệp tham gia.

Hy vọng quá trình cổ phần hóa các tập đoàn lớn trong giai đoạn tới sẽ được thực hiện tốt.

Theo ông Phan Đăng Tuất, tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển đổi 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện máy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Du lịch và Xúc tiến thương mại...

Tính trong cả giai đoạn 2011-2015, đã có 15 doanh nghiệp được sắp xếp hoặc cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó, số các đơn vị có nhà đầu tư chiến lược gồm Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thực phẩm và Đầu tư công nghệ Focover.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, sau khi hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, Bộ Công Thương còn quản lý 4 Tập đoàn kinh tế là Dầu khí, Điện lực, Than-Khoáng sản, Hóa chất và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

Đối với 4 Tập đoàn kinh tế, Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu theo chỉ đạo hoặc ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty và công ty mẹ trong giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách tài chính để giúp các doanh nghiệp quy mô lớn thực hiện thuê tư vấn tìm kiếm đối tác chiến lược, quảng bá doanh nghiệp không chỉ trong nước mà cả nước ngoài để thu hút khối ngoại mua cổ phần; đồng thời, xem xét nghiên cứu sửa đổi để giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước đối với một số lĩnh vực mà nhà nước đang nắm giữ tỷ lệ cao hiện nay…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục