Thoát chết kỳ diệu sau lở tuyết kinh hoàng trên đỉnh Everest

Những người còn sống sót ở trận lở tuyết đã xảy ra tại đỉnh Everest, đã kể lại câu chuyện của mình khi thảm kịch xảy ra, cũng như những hậu quả chúng để lại cho họ.
Thoát chết kỳ diệu sau lở tuyết kinh hoàng trên đỉnh Everest ảnh 1(Nguồn: AFP)

Ngày 25/4 vừa qua, một trận lở tuyết đã xảy ra tại đỉnh Everest, chôn vùi mọi thứ trên đường đi của nó. 18 người đã thiệt mạng trong vụ lở tuyết này, chỉ sau gần một năm diễn ra thảm kịch tương tự cướp đi sinh mạng của 16 hướng dẫn viên người Sherpa hồi năm ngoái.

Những người còn sống sót đã kể lại câu chuyện của mình khi thảm kịch xảy ra, cũng như những hậu quả chúng để lại cho họ.

Vẫn còn chưa tin là mình đã thoát khỏi cái chết do bị một đống tuyết khổng lồ đè bẹp, George Foulsham cho biết thảm họa mới nhất xảy ra trên đỉnh Everest là một thông điệp, rằng ngọn núi không muốn bị chinh phục vào lúc này.

Giống nhiều người leo núi khác, Foulsham đã trở lại khu cắm trại dưới chân núi để một lần nữa thử chinh phục nóc nhà thế giới, sau khi mùa leo núi năm ngoái bị hoãn lại. Nhà sinh vật học hải dương 38 tuổi nhớ lại khoảnh khắc anh gục ngã trước “một khối nhà cao 50 tầng toàn màu trắng”.

“Tôi chạy và nó cứ xô tôi ngã. Tôi gượng dậy và nó lại chực chờ đè bẹp tôi lần nữa. Tôi không thở nổi, tôi cứ nghĩ mình đã chết. Cuối cùng khi đã có thể đứng dậy, tôi không thể tin là nó đã bỏ qua tôi. Tôi gần như không bị thương gì,” Foulsham cho biết.

Khi cùng những người leo núi còn sống sót khác chờ chuyến bay đưa họ rời Everest, Foulsham buồn bã cho rằng giấc mơ chính phục của anh sẽ không thể thành sự thật.

“Tôi đã chờ nhiều năm để được tới chinh phục Everest, nhưng có vẻ như ngọn núi đang nói rằng nó không muốn bị chinh phục vào lúc này. Khó có thể là ngẫu nhiên khi đã có hai trận tuyết lở xảy ra trong hai năm liền.”

Ellen Gallant, một nhà leo núi kiêm bác sỹ tim mạch người Mỹ thì kể lại việc cô đã cố gắng giúp những người bị thương, nhưng vẫn phải nhìn một người chết ngay trước mắt mình.

“Tôi chạy ra ngoài và thấy đám mây khổng lồ ập xuống. Tôi chạy vào lều, nằm sấp xuống đất. Khi chấn động ngừng hẳn, tôi mới dám ra ngoài và gọi tới lều y tế bằng sóng radio. Họ nhờ tôi và một bác sỹ quân đội người Ấn Độ cùng đến leo núi tới giúp những người bị thương. Chúng tôi đã làm việc cả đêm, chăm sóc người bị thương, cấp phát thuốc và truyền dịch tĩnh mạch. Trong 9 bệnh nhân, có một người đã tử vong – một người Sherpa 25 tuổi. Huyết áp của anh ấy giảm, và chúng tôi không thể làm được gì.”

Gallant cho biết điều kiện chăm sóc y tế tại trại hết sức thô sơ. “Khoảng 6 giờ, có tiếng trực thăng tới, và chúng tôi biết mình có thể gửi 8 người bị thương còn lại đi chữa trị. Khi bạn học ngành y, bạn được dạy phải tập trung vào những gì đang xảy ra trước mắt. Nhưng khi mọi chuyện đã ổn thỏa, tôi thấy thật khó khăn. Người thanh niên 25 tuổi ấy đã chết trước mặt tôi - anh ta còn quá trẻ.”

Kanchaman Tamang, một đầu bếp người Nepal làm việc cho công ty du lịch Jagged Globe cho biết trận lở tuyết mới đây khiến anh thấy hết sức đau đớn, nhất là khi nó xảy ra không lâu sau thảm kịch năm ngoái.

“Khi tuyết lở, tôi đang ở trong lều nấu ăn. Cả cái lều rung lên bần bật. Sau trận lở tuyết năm ngoái, tôi không lo lắng gì khi quay trở lại làm việc - tôi nói với cả nhà rằng tôi làm việc ở trại chân núi, và nơi đó rất an toàn, không như ở thác băng. Nhưng mùa leo núi đã kết thúc ở đây rồi. Tôi không nghĩ mình sẽ quay lại đây vào năm sau - ngọn núi đã để lại cho tôi quá nhiều nỗi buồn.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục