Thời cơ bùng nổ

Thời cơ bùng nổ của các hãng hàng không châu Á

Sự bùng nổ du lịch giá rẻ và gia tăng các thảo luận mạng lưới "bầu Trời mở" thúc đẩy sự tăng trưởng dài hạn của hãng hàng không châu Á.
Giới lãnh đạo ngành hàng không và các nhà phân tích nhận định, sự bùng nổ du lịch giá rẻ và gia tăng các thảo luận mạng lưới "bầu Trời mở" có thể thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn của các hãng hàng không châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Phát biểu tại lễ bế mạc Triển lãm hàng không Singapore ngày 7/2, Giám đốc điều hành triển lãm Jimmy Lau nói: "Chúng tôi hy vọng thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi mạnh hơn nữa."

Ước tính, ngành hàng không thế giới đã thua lỗ khoảng 11 tỷ USD trong năm 2009 do suy thoái kinh tế, khiến nhiều hãng hàng không phải hủy bỏ hoặc trì hoãn các đơn đặt hàng máy bay mới.

Tại triển lãm lần này, tổng số hợp đồng mới trị giá 10 tỷ USD đã được ký kết, giảm so với mức 13 tỷ USD năm 2008.

Theo số liệu thống kê mới nhất, có ít nhất 45 hãng hàng không giá rẻ trên toàn châu Á, từ Nhật Bản cho đến Pakistan. Không giống các hãng hàng không hạng sang khác, rất nhiều hãng hàng không giá rẻ đã thành công trong việc vượt qua "cơn bão" suy thoái kinh tế.

Hai hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới, Boeing và Airbus nhận định, châu Á sẽ là thị trường máy bay lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm tới, với lượng đơn đặt hàng dự kiến vượt trên 8.000 máy bay chở khách và chở hàng, trị giá trên 1.000 tỷ USD.

Sự bùng nổ các hãng hàng không giá rẻ cũng tạo điều kiện cho rất nhiều gia đình châu Á có cơ hội du lịch bằng máy bay, đồng thời chấm dứt thời kỳ thống trị của các đại gia hàng không quốc gia.

Hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways của Singapore thông báo đã xúc tiến kế hoạch mua thêm 4 máy bay Airbus A320, sớm hơn so với dự kiến là tới năm 2016.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Airbus, John Leahy cho biết, các hãng hàng không giá rẻ châu Á đã bay trung bình 1.800km/chuyến bay tới 576 sân bay khác nhau, tăng so với mức trung bình 700km và 48 sân bay hồi năm 2001.

Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Giovanni Bisigniani khẳng định: "Ngành hàng không châu Á không thể vươn tới tiềm năng như hiện tại, nếu các hãng hàng không không mạnh dạn thay đổi đường lối kinh doanh cũ."

IATA ước tính, mức thua lỗ của ngành hàng không toàn cầu sẽ được thu hẹp xuống 5,6 tỷ USD năm 2010.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán trong năm nay, nhằm tiến tới một hiệp định mở cửa chéo các thị trường hàng không của nhau.

Các nhà phân tích nhận định, sự thiếu hụt hệ thống đường ray và mạng lưới đường biển hiện đại đã đem lại nhiều thuận lợi cho các hãng hàng không. Với dân số hơn 3 tỷ người, thị phần "miếng bánh" hàng không châu Á đủ lớn để các hãng hàng không cạnh tranh công bằng và lành mạnh./.

Việt Khoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục