Thời khắc lịch sử trên con đường hội nhập của Lào

Việc gia nhập WTO hy vọng sẽ giúp thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư quốc tế nhiều hơn và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của Lào.
Ngày 26/10, Đại hội đồng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tổ chức phiên họp toàn thể công nhận tư cách thành viên mới của Lào tại Geneva (Thụy Sĩ) và chính thức phê duyệt lần cuối việc Lào gia nhập tổ chức thương mại toàn cầu này.

Đoàn đại biểu của Lào gồm 19 thành viên do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith làm trưởng đoàn.

Phát biểu trong phiên họp của Đại hội đồng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith cho biết: Đây là ngày trọng đại của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Chính phủ Lào hy vọng sẽ được chia sẻ tin vui trở thành thành viên của WTO với các bạn bè đối tác trong Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 9, được tổ chức tại thủ đô Viên Chăn của Lào trong các ngày 5-6 tháng 11 tới. Kể từ khi bắt đầu đàm phán chính thức việc gia nhập WTO, Lào đã có nhiều chính sách mới nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO trên các lĩnh vực đầu tư, an toàn thực phẩm, thủ tục xuất nhập khẩu, quyền sở hữu tài sản... .

Lào đã cố gắng cải thiện hệ thống luật pháp và thể chế để đảm bảo mọi người dân có được các điều kiện cần thiết nhằm thu được những tiềm năng kinh tế và những lợi ích từ quá trình phát triển. Quá trình đàm phán gia nhập WTO đã giúp mở đường để Lào có thể thực hiện được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế của Lào trong suốt 10 năm qua đã duy trì ở mức ổn định trên 7%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng từ 25 triệu USD năm 2002 lên gần 3 tỷ USD năm 2011. Với quyết tâm cao độ, Lào đang đi đúng hướng trên con đường hội nhập của mình.

Cũng tại phiên họp của Đại hội đồng, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác nhấn mạnh: Với tư cách là một trong những quốc gia thành viên mới gia nhập WTO, Việt Nam hiểu rất rõ hơn bao giờ hết những thuận lợi và thách thức đang ở phía trước. Những khó khăn của những ngành công nghiệp trong nước khi phải mở cửa cạnh tranh với bên ngoài. Việt Nam hy vọng Ban thư ký WTO tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Lào và những quốc gia mới gia nhập để đạt được những lợi ích tiềm tàng mà hệ thống thương mại đa phương có thể đem lại. Là quốc gia láng giềng gần gũi, Việt Nam luôn thiện trí, sẵn sàng ủng hộ và chia sẻ những kinh nghiệm với Lào trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại sứ Lào tại Geneva Yong Chanthalangsy cho biết Lào đã kết thúc quá trình đàm phán gia nhập WTO - một quãng thời gian dài, đầy khó khăn và Lào đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các nước bạn bè trong ASEAN và đặc biệt là Việt Nam. Lào cũng đã học được nhiều từ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đàm phán gia nhập WTO, việc tuân thủ các luật lệ và quy định của WTO.

Ngay sau khi được Đại hội đồng thông qua, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy đã ký nghị định thư với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Nam Viyaketh. Ông Lamy chia sẻ: "Lào đã trải qua một đoạn đường dài kể từ khi bắt đầu nộp hồ sơ tham gia quy chế thành viên năm 1997". Tuy nhiên, ông Nam Viyaketh cho rằng quá trình này đã "cho chúng tôi nền móng cơ bản để đạt được mục tiêu" ra khỏi nhóm những nước kém phát triển nhất trước năm 2020.

Bộ trưởng Nam Viyaketh hy vọng Quốc hội sẽ phê chuẩn các thủ tục gia nhập WTO vào tháng 12 tới. Lào sẽ chỉ trở thành thành viên đầy đủ của WTO sau khi chính phủ nước này phê chuẩn toàn bộ các thủ tục gia nhập.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith cho biết quá trình chuẩn bị cho việc gia nhập WTO đòi hỏi không chỉ điều chỉnh các quy định và luật lệ mà còn phải thay đổi cách thức làm ăn kinh doanh. Đặc biệt, Lào sẽ phải tuân thủ mức trần thuế đối với hàng hóa, các giới hạn trợ cấp cho nông nghiệp, và khả năng tiếp cận các thị trường dịch vụ của nước này. Đối với hàng hóa, Lào đã cam kết áp mức thuế trung bình tối đa 18,8% đối với mọi sản phẩm, 19,3% đối với nông sản và 18,7% đối với các loại còn lại. Trong khu vực dịch vụ, Lào đã đưa ra các cam kết tiếp cận thị trường trong 10 khu vực chính và 79 khu vực phụ. Các cam kết này sẽ đưa các thị trường của Lào phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và tạo sự minh bạch lớn hơn.

[Lào chính thức trở thành thành viên mới của WTO]

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith khẳng định đây là thời khắc lịch sử cho Chính phủ và nhân dân Lào. Lào đã cố gắng cải thiện hệ thống luật pháp và thể chế để đảm bảo mọi người dân có được các điều kiện cần thiết nhằm thu được những tiềm năng kinh tế và những lợi ích từ quá trình phát triển. Quá trình đàm phán gia nhập WTO giúp mở đường để Lào có thể thực hiện được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế của Lào trong suốt 10 năm qua đã duy trì ở mức ổn định trên 7%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng từ 25 triệu USD năm 2002 lên gần 3 tỷ USD năm 2011.

Việc gia nhập WTO hy vọng sẽ giúp thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư quốc tế nhiều hơn và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của Lào. Bên cạnh đó, Lào sẽ được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, để được gia nhập WTO, Lào đã thực hiện các cam kết trong các cuộc đàm phán song phương với các thành viên quan tâm, trong đó có Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Ukraine. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và sức ép bảo hộ ở nhiều nước, điều này thể hiện những nỗ lực của Lào đối với hệ thống thương mại đa phương này./.

Tố Uyên-Hoàng Long/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục