"Thỏi nam châm" trong mối quan hệ Hàn Quốc và ASEAN

Quan hệ của Hàn Quốc với ASEAN khá nhỏ bé so với một số đối tác đối thoại khác của ASEAN, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc.
Các Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc và 10 nước thành viên thuộc ASEAN chụp ảnh chung trước hội nghị tại Gwangju ngày 24/10 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Các Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc và 10 nước thành viên thuộc ASEAN chụp ảnh chung trước hội nghị tại Gwangju ngày 24/10 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong bài phân tích được đăng tải trên trang Diễn đàn Đông Á, 2 tác giả Nurliana Kamaruddin và Aaron Denison Deivasagayam, thuộc Đại học Malaya của Malaysia, nhận định Hàn Quốc đã để phần lớn lịch sử của mình mắc kẹt giữa các cuộc đấu tranh quyền lực bên ngoài.

Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ đều góp phần trong việc định hình thực trạng địa chính trị của nước này.

Tuy nhiên, khả năng vượt trội của Hàn Quốc đã tạo ra những thành công kinh tế hiện tại, giúp quốc gia Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng phi thường.

Xoay trục về ASEAN

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn thấy mình bị cuốn vào các cuộc chiến về quyền lực chính trị ở khu vực.

Hiện tại, nước này đang sa lầy vào những xung đột với Trung Quốc và Nhật Bản.

Mâu thuẫn với Nhật Bản xuất phát từ vấn đề Nhật Bản bồi thường cho các lao động Hàn Quốc bị cưỡng ép làm việc trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, trong khi quyết định của Hàn Quốc nhằm triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã làm dấy lên sự lo ngại về an ninh của Trung Quốc.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc hiện đều đã thực hiện các biện pháp thương mại trả đũa đối với Hàn Quốc.

Do đó, Hàn Quốc đang có bước đi quan trọng để phát triển quan hệ thương mại và ngoại giao với các đối tác khác.

Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra Chính sách Phía Nam mới (NSP), như là một phần của dự án Cộng đồng Trách nhiệm Đông Bắc Á vào tháng 11/2017.

[Hàn Quốc-ASEAN tăng cường hợp tác vì hòa bình và phát triển]

NSP đặt tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngang bằng với quan hệ của nước này với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Quan hệ của Hàn Quốc với ASEAN khá nhỏ bé so với một số đối tác đối thoại khác của ASEAN, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc.

Hàn Quốc đã không trở thành đối tác đối thoại đầy đủ cho tới năm 1991, ngược lại, Nhật Bản chính thức hóa quan hệ từ 1977. Tuy nhiên, dưới thời Chính quyền Tổng thống Moon, Hàn Quốc đã nỗ lực tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực.

Trong chuyến công du tới Thái Lan, Myanmar và Lào vào tháng Chín vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc đã ký một số thỏa thuận cấp cao, trong đó có một đề nghị viện trợ 1 tỷ USD cho Myanmar và quan hệ đối tác thương mại với Lào...

Mặc dù cam kết với ASEAN không phải là một sáng kiến mới đối với Hàn Quốc, song cách tiếp cận bền vững là một sự khác biệt.

Các Tổng thống trước đây thường tập trung vào chính sách ASEAN ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhưng không kéo dài lâu, vì các vấn đề tại bán đảo Triều Tiên và quan hệ của Hàn Quốc với các cường quốc lớn đã đẩy chính sách liên quan tới ASEAN ra ngoài lề.

Ví dụ, mặc dù cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã đưa ra các thỏa thuận nhằm cân bằng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, thông qua cam kết với ASEAN tham gia vào "Sáng kiến châu Á mới," nhưng chính sách này vẫn tập trung vào một số quốc gia quan trọng về địa chiến lược.

Không giống như những người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Moon liên tục đẩy mạnh sự tham gia với ASEAN.

Việc thể chế hóa các cơ quan chính phủ như Ủy ban của Tổng thống về Chính sách Phía Nam mới đã thể hiện cam kết của ông với ASEAN.

"Thỏi nam châm" trong mối quan hệ Hàn Quốc và ASEAN ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Quan trọng hơn, Hàn Quốc tiếp tục tăng cường mạng lưới nghiên cứu, giúp tạo điều kiện ổn định các chính sách và sáng kiến trong khu vực.

Chúng không chỉ bao gồm việc thiết lập Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, mà còn là các dự án giữa cộng đồng người dân hai bên, như Hội thảo Mạng lưới Thanh niên ASEAN-Hàn Quốc, Hội nghị học thuật ASEAN-Hàn Quốc và Hội đồng Giáo sư ASEAN tại Hàn Quốc.

ASEAN đóng vai trò là nhân tố quan trọng cho sự tham gia lớn hơn vào Đông Á. Việc nhấn mạnh tính chất không liên kết và không can thiệp cho phép ASEAN tiếp tục gắn bó với cả Trung Quốc và Mỹ, bất chấp sự cạnh tranh giữa hai siêu cường.

Mối quan hệ cùng thắng 

Các quốc gia ASEAN cũng là nhà trung gian hòa giải cho các cuộc đối thoại, thể hiện qua vai trò của Singapore và Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ.

Đối với Hàn Quốc, duy trì mối quan hệ tốt hơn cùng các quốc gia ASEAN cũng phục vụ cho việc vận động sự ủng hộ quốc tế với cách tiếp cận của riêng nước này, nhằm giải quyết xung đột liên Triều. Trước những năm 1990, Triều Tiên đã gắn bó với ASEAN nhiều hơn Hàn Quốc.

Hiện một số nước ASEAN vẫn duy trì kênh đối thoại chính trị với Triều Tiên, thông qua mối quan hệ giữa các đảng cầm quyền hoặc những tương tác cao cấp như thương mại. Điều này được thực hiện bởi sự nhấn mạnh của ASEAN về tính trung lập và toàn diện.

Cải thiện quan hệ với ASEAN cũng đem lại lợi ích cho kinh tế Hàn Quốc. Tranh chấp cùng Nhật Bản và Trung Quốc đã cho thấy sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn hơn là một lỗ hổng. Nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á không chỉ là các thị trường thay thế, mà còn là nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực tiềm năng.

Mặc dù Hàn Quốc đã xây dựng mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với một số nước ASEAN, nhưng quốc gia này lại tụt hậu về thương mại và đầu tư với các nước phát triển hơn như Singapore, Malaysia và Indonesia.

Các sáng kiến dưới thời ông Moon, bao gồm nỗ lực ký kết Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện với Indonesia, đang tìm kiếm khả năng để tăng cường mối quan hệ thương mại song phương và đa phương với các thành viên ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục