Thời tiết xấu gây ảnh hưởng tới nhiều nước châu Âu

Toàn bộ dải đất Hy Lạp đang chìm trong những ngày thời tiết xấu và lần đầu tiên trong mùa Đông năm nay, tuyết đã rơi tại thủ đô Athens
Toàn bộ dải đất Hy Lạp đang chìm trong những ngày thời tiết xấu và lần đầu tiên trong mùa Đông năm nay, tuyết đã rơi tại thủ đô Athens ngày 8/1, gió to kèm theo những đợt bão tuyết đe dọa làm đảo lộn sinh hoạt của người dân, gây ảnh hưởng giao thông nghiêm trọng và học sinh bậc tiểu học có thể buộc phải nghỉ học.

Theo hãng thông tấn Nga Itar-tass, tại các tỉnh miền núi, trong đó có các tỉnh cực Nam Hy Lạp, chính quyền buộc phải cấm các phương tiện giao thông bánh hơi không được phép hoạt động nếu không có lốp chuyên dụng. Ngoài ra, các phương tiện tham gia giao thông qua các tuyến quốc lộ phải hạn chế tốc độ, thậm chí nhiều tuyến ngoại vi thủ đô Athens còn bị cấm hoạt động, do xuất hiện những lớp băng dày trên mặt đường, mây mù cản trở tầm nhìn.

Tại vùng núi trên đảo Crete và quần đảo Ionic, tuyết rơi dày, kèm theo mưa gió khiến sinh hoạt của người dân trong vùng gặp rất nhiều khó khăn.

Chính quyền thủ đô Athens đã áp dụng nhiều biện pháp cấp bách để hỗ trợ người dân Hy Lạp đối phó với thời tiết xấu trong mùa Đông, đặc biệt là những người vô gia cư, vốn tăng lên rất nhiều trong khoảng thời gian vừa qua, khi nền kinh tế nước này lâm khủng hoảng trầm trọng. Cụ thể, chính quyền đã mở 3 trung tâm tại thủ đô, cung cấp miễn phí thức ăn hỗ trợ những người vô gia cư; thiết lập đường dây nóng để người dân có thể thông báo đề nghị trợ giúp. Ngoài ra, do giá nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, trong thời gian từ 8h đến 20h (giờ địa phương), chính quyền đã mở các điểm sưởi ấm miễn phí dành cho người cao tuổi.

Ngày 8/1, Cơ quan tình trạng khẩn cấp tỉnh Krasnodar của Nga đã ban bố cảnh báo khẩn cấp do nguy cơ lở tuyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại vùng núi ở thành phố Sochi, và đề nghị người dân phải hết sức cảnh giác.

Lực lượng cứu hộ không loại trừ khả năng có thể xảy ra tình huống xấu liên quan các dịch vụ công cộng như đường điện thoại, hệ thống cung cấp điện, các tuyến giao thông đường bộ, đường không, hệ thống cầu đường, hầm đường bộ...

Chính quyền tỉnh cũng cảnh báo khách du lịch không nên tổ chức "thám hiểm" bằng đường bộ vào các ngọn núi hoặc các khu vực lân cận, tránh để xảy ra những tình huống đáng tiếc.

Tại Gruzia, tuyết rơi dày trong ngày 8/1 đã cắt đứt giao thông trên một tuyến đường bộ từ ngọn núi nghỉ dưỡng Gudauri của Gruzia cắt qua đèo Krestovyu, khiến một số khách du lịch Nga tới vùng này nghỉ dưỡng từ mấy ngày qua bị mắc kẹt.

Đội nhân viên bảo dưỡng kỹ thuật tại các tuyến đường trong khu vực cũng buộc phải ngừng hoạt động vì lý do an toàn. Tuyến rơi dày hơn 1m tại khu đèo Krestovyu và từ 60-80cm tại các tuyến đường lân cận. Hàng chục xe ôtô chạy qua tuyến đường này cũng bị mắc kẹt vì tuyết.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong ngày 8/1, bão tuyết cũng "chặn đường" nhiều tàu thuyền ra vào vịnh Bosphorus nối liền Biển Đen với Địa Trung Hải. Cơ quan quản lý tuyến vận tải biển này đã tạm thời đình chỉ hoạt động qua lại của tàu thuyền do tuyết rơi dày đặc cản trở tầm nhìn. Bão tuyết cũng khiến gần 80 chuyến bay trong ngày 8 và 9/1 của Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải hủy bỏ. Tuy nhiên, tuyến đường biển qua vịnh Dardanelles cũng nối liền Biển Đen với Địa Trung Hải vẫn mở cửa cho phép các tàu chở dầu hoạt động.

Tuyến đường biển qua vịnh Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ là hành lang giao thông huyết mạch nối các hải cảng trên biển Đen của Nga cùng nhiều nước trong khu vực tới Địa Trung Hải và ra đại dương, với trung bình 10 nghìn lượt tàu thuyền qua lại đây mỗi năm, vận chuyển tới 150 triệu tấn hàng hóa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục