Bi kịch sau hào quang

Thời trang Escada - bi kịch sau ánh hào quang

Escada - hãng thời trang phụ nữ lớn nhất nước Đức và từng có thời lớn nhất thế giới, hiện phải xin bảo hộ phá sản là một cú sốc lớn.
Đối với thế giới thời trang nói chung và ở Đức nói riêng, việc hãng thời trang Escada phải xin bảo hộ phá sản là một cú sốc lớn. Nó đủ khiến cho thế giới thời trang từ nay không còn như xưa.

Escada là hãng thời trang phụ nữ lớn nhất nước Đức và đã từng có thời lớn nhất thế giới. Sản phẩm của Escada đã trở nên không thể thiếu đối với các loại sao lớn, sao nhỏ ở kinh đô điện ảnh Hollywood: Katherine Heigl, Katie Holmes, Hilary Swank, Demi Moore...

Kim Basinger đã từng vận đồ của Escada khi nhận giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá. Tại cuộc trao giải thưởng âm nhạc Bambi năm ngoái đã có tới 14 ứng viên được giải vận đồ thời trang của Escada.

Từ không đến có

Năm 1976, cô nàng người mẫu thời trang Thụy Điển Margaretha Ley thuyết phục chồng là Wolfgang Ley đứng ra thành lập công ty riêng để xây dựng thương hiệu thời trang riêng chứ không làm đại lý cho các hãng thời trang khác.

Cặp vợ chồng này có công xưởng dệt và may mặc riêng nên chuyện sản xuất sẽ không gặp phải khó khăn gì. Họ chọn Escada làm tên gọi cho công ty mới và thương hiệu thời trang mới, lấy tên của một con ngựa đã đoạt được nhiều giải đua ở nước Đức.

Ý tưởng của họ là Margaretha chịu trách nhiệm về thiết kế mẫu, Wolfgang đảm nhận công việc sản xuất và kinh doanh. Thành công của Escada trước hết nhờ vào ý tưởng sáng tạo độc đáo của Margaretha với những bộ sưu tập thời trang màu sắc mạnh mẽ, những bộ váy áo như thể là tâm điểm cho không gian xung quanh, trang trí hoa văn đan thêu rất cầu kỳ và những cái cúc vàng đặc trưng của Escada vốn không thể thiếu.

Escada đem lại cho người phụ nữ không chỉ cảm giác tự tin, sự sang trọng mà trước hết là cảm giác hợp thời và hợp với chính mình. Vì thế, chỉ sau thời gian rất ngắn, Escada đã trở thành biểu tượng của sự “sang trọng kiểu Đức”, đến cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 đã trở nên ngang hàng với Dior hay Armani. Rất nhiều siêu mẫu thời trang như Tatjana Patitz, Claudia Schiffer hay Iman đã trình diễn sản phẩm thời trang của thương hiệu này.

Escada cũng nhanh chóng hiện diện và tỏa sáng ở nước ngoài, sánh vai cùng với các thương hiệu nổi tiếng khác như Max Mara, Ralph Lauren, Boss Black hay Chanel. Hiện nay, Escada có 194 chi nhánh với 2.300 nhân viên ở 60 nước trên thế giới.

Từ thành đạt đến phá sản

Quá trình trượt dốc của Escada bắt đầu từ sau khi Margaretha Ley qua đời năm 1992 vì bệnh ung thư. Tập đoàn Escada như thể bị mất đi cả gương mặt lẫn linh hồn của chính mình.

Margaretha là người mẫu thời trang nên rất hiểu thế giới thời trang, luôn cảm nhận được những đổi thay dù chỉ nhỏ nhất trong thế giới thời trang mà nhà kinh doanh thời trang cần phải biết.

Là phụ nữ, bà biết phải thiết kế thời trang sao cho được phụ nữ tiếp nhận như một món quà tặng. Thời trang như người bạn của phụ nữ - người ta cho rằng đó là câu nói của bà. Và bà rất mẫn cảm với những xu thế diễn biến của thời trang thế giới trong tương lai. Tập đoàn Escada không tìm được ai thay thế bà.

Thêm vào đó, Wolfgang Ley đã không lượng hết sức mình khi tham gia quá nhiều vào các tập đoàn khác và theo đuổi kỳ vọng đưa Escada trở thành tập đoàn siêu quốc gia tầm cỡ thế giới.

Năm 1986, Escada được niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng chính bước đi này lại “lợi bất cập hại” đối với họ bởi việc điều hành tập đoàn và xác định phương hướng chiến lược kinh doanh cho tập đoàn không còn được đồng thuận và kiên định nhất quán thực hiện như trước.

Sản phẩm của Escada vì thế không còn hợp thời và hợp giá như trước nữa. Chúng vẫn rất tốt nhưng không còn được ưa chuộng như trước. Chúng không còn sang trọng đối với diện khách hàng lắm tiền nhiều của, nhưng lại quá sang với khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu.

Thêm vào đó, tình hình kinh tế, chính trị và an ninh trên thế giới trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 cũng không thuận lợi cho kinh doanh thời trang nói chung và cho Escada nói riêng.

Biến động nhân sự, thị trường co hẹp, kinh doanh thua lỗ đã đẩy tập đoàn lừng danh này đến bên bờ vực phá sản. Sau khi buộc phải bán đi công ty con Primera với 1.800 nhân công, tập đoàn chủ trương chỉ giữ lại những công ty con kinh doanh có lãi.

Vậy mà thua lỗ trong năm tài chính 2008/2009 cũng đã lên tới hơn 90 triệu Euro - trong thế giới thời trang thì đó là con số có sức nặng ghê gớm, đủ để xóa sổ cả thương hiệu nổi tiếng như Escada.

Bi kịch sau bao năm tháng hào quang là như thế đối với Escada. Còn đâu nữa thiên thời, địa lợi và nhân hòa của ngày nào. Còn đâu nữa những bộ sưu tập thời trang định hướng cho cả xu thế thời trang trên châu lục và thế giới.

Escada buộc phải cầu viện sự bảo hộ phá sản của nhà nước vì 80% trái chủ của công ty không đồng ý với phương án tái cấp vốn mà Escada đề xuất để cứu công ty. Giờ đây, số phận của Escada được định đoạt bởi một văn phòng luật sư ở Munich (Đức).

Một trong hai khả năng sẽ xảy ra, Escada hoặc sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn hoặc sẽ được phục hồi nhưng phải được đặt dưới sự quản lý và kiểm soát của văn phòng luật sư này. Mới đây báo chí Đức có đưa tin rằng, LVMH và PPR có thể quan tâm tới việc đầu tư vào Escada.

Rất nhiều phụ nữ ở Đức sẽ rơi nước mắt nếu thương hiệu này chỉ còn là hình ảnh trong quá khứ./.
 Bài viết này được đăng theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục