Hiệu ứng Bành Lệ Viện

Thời trang Trung Quốc và hiệu ứng đệ nhất phu nhân

Hãng thời trang Exception cung cấp đồ cho bà Bành Lệ Viện-phu nhân ông Tập Cận Bình cho biết họ không muốn "ăn theo" tên tuổi của bà.
Khi đệ nhất phu nhân của Trung Quốc Bành Lệ Viện, một cựu ca sĩ chuyên “nhạc đỏ” nổi tiếng trong quân đội, chọn thương hiệu thời trang nội địa Exception de Mixmind cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên cùng chồng, các trang mạng xã hội ngay lập tức lên cơn sốt.
Liệu Exception sẽ có được “khoảnh khắc Jason Wu?” nhiều người đặt câu hỏi, ý chỉ nhà thiết kế trẻ Đài Loan-Canada đã nổi như cồn ngay sau khi đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama xuất hiện ở dạ tiệc nhậm chức của tổng thống với chiếc đầm màu ngà trễ vai của Wu. Hay liệu bà Bành muốn tạo danh tiếng cho thời trang nội địa trong bối cảnh nhiều quan chức và các phu nhân quan chức cấp cao trong chính quyền Trung Quốc đang sử dụng hàng hiệu nước ngoài quá xa hoa. Với nhiều thương hiệu, sự quảng bá đó là một giấc mơ thật sự về marketing. Nhưng trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi bà Bành theo chồng là Chủ tịch Tập Cận Bình sang Nga hồi tháng Ba, người sáng lập Exception Mao Kế Hồng (Mao Jihong) có vẻ không hài lòng khi “vấn đề đệ nhất phu nhân” được nêu ra. Bà Bành đã dùng đồ của Exception trong 12 năm và một số quần áo được thiết kế riêng cho bà, Mao nói với AFP trong cuộc phỏng vấn ở Paris. Theo ông Mao, việc nhiều người quan tâm tới lựa chọn của bà Bành cho chuyến đi Nga, gồm chiếc áo khoác và túi da Exception, đương nhiên là tốt cho thương hiệu này, song nó cũng “gây ra nhiều vấn đề”. “Chúng tôi chỉ muốn làm thời trang trong lặng lẽ. Chúng tôi chưa bao giờ làm thương hiệu hay quảng cáo, nhưng sau khi đệ nhất phu nhân mặc đồ của chúng tôi (ở Nga), rất nhiều người tìm thương hiệu của chúng tôi”, ông nói. “Chúng tôi muốn giới thiệu thương hiệu của mình, nhưng không phải nhờ đệ nhất phu nhân giúp chúng tôi nổi tiếng. Chúng tôi thực sự chưa bao giờ muốn thế”.
Thời trang Trung Quốc và hiệu ứng đệ nhất phu nhân ảnh 1
Ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viện trong chuyến công du Nga (Nguồn: AFP)
Câu chuyện của Exception phản chiếu lịch sử ngắn ngủi của ngành thiết kế thời trang ở Trung Quốc hiện đại. Tốt nghiệp năm 1991 ở một trong những khóa thiết kế thời trang đầu tiên của đất nước, Mao và bà vợ cũ Mã Khả (Ma Ke) mang tới những điều mới mẻ thay vì các bộ quần áo kiểu Mao Trạch Đông ở đâu cũng thấy khắp Trung Quốc. “Chúng tôi là những sinh viên ngành thiết kế đầu tiên ở Trung Quốc. Khi mà quần áo ở Trung Quốc còn thô sơ giản dị và ai cũng mặc một thứ đồng phục như nhau”, Mao nói. Thương hiệu của họ ngày nay, một trong những nhãn thời trang đầu tiên được thành lập vào đầu những năm 1990, cũng chỉ hiện diện ít ỏi ở khoảng 100 cửa hàng tại Trung Quốc. Thiết kế của họ tập trung vào các chất liệu tự nhiên như nhựa, bông và vải sợi để tạo ra “sự tự do”. “Chúng tôi muốn định nghĩa phong cách hiện đại ở Trung Quốc với thương hiệu này, giúp mọi người khám phá vẻ đẹp và chất mỹ thuật trong thiết kế thẩm mỹ”, Mao nói. Sô trình diễn thời trang đầu tiên của thương hiệu Exception năm 2004 được tổ chức ở một nhà máy sản xuất thiết bị điện ở Bắc Kinh. Nhà máy này đã bị phá hủy từ lâu để xây một trung tâm mua sắm lớn, dấu hiệu quen thuộc của sự phát triển nhanh chóng tại quốc gia 1,3 tỉ dân.
Thời trang Trung Quốc và hiệu ứng đệ nhất phu nhân ảnh 2
Nhà thiết kế Mao Jihong của thương hiệu thời trang Exception đã cung cấp đồ cho bà Bành Lệ Viện (Nguồn: AFP)
Mao ước tính ở bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 40 trung tâm mua sắm đang trong quá trình xây dựng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, ông thận trọng và tìm cách tách biệt Exception khỏi thứ chủ nghĩa tiêu dùng với tốc độ chóng mặt đó, mô tả những khách hàng của mình là những người “yêu nghệ thuật, văn hóa và có quan điểm thẩm mỹ riêng”. Hiện giờ Exception đang có kế hoạch thâm nhập thị trường châu Âu sau khi được các cửa hàng ở Pháp tiếp cận. “Chúng tôi đang hợp tác quốc tế… Mọi thứ đang được bàn thảo”, Mao nói. “Chúng tôi chưa cho rằng chúng tôi là một thương hiệu thành công và chúng tôi chưa đạt đến đó. Chúng tôi vẫn đang trên hành trình”./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục