Thời trang xa xỉ hết thời?

Thời trang xa xỉ đã qua thời kỳ hoàng kim?

Khi bão suy thoái kinh tế tràn qua các kinh đô thời trang, những thương hiệu như Lacroix, Versace hay Chanel cũng bị quật ngã.
Vào thời kỳ hoàng kim của thời trang xa xỉ, các quý bà khắp nơi trên thế giới một năm vài ba lần bay tới Paris để đặt may đồ. Giờ đây, khi "cơn bão" suy thoái kinh tế tràn qua “thủ đô thời trang thế giới”, những thương hiệu lớn như Christian Lacroix cũng bị quật ngã.

Sự sụp đổ của một thương hiệu

Bên ngoài tiệm thời trang Christian Lacroix ở khu “phố hàng hiệu” Faubourg Saint Honoré (Pháp), một cặp vợ chồng du khách người Mỹ đang đắn đo xem có nên chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm hay không.

“Chắc gì Lacroix sẽ tồn tại”, người vợ nói. Bên trong cửa hàng treo đầy các loại quần áo đắt tiền. Một chiếc áo khoác thêu kim tuyến vàng được hạ giá xuống còn 2.790 euro (khoảng 70 triệu đồng) nhưng không có khách nào ngó ngàng.

Đầu tháng 12 vừa qua, sau 6 tháng đặt dưới sự giám sát tài chính để tìm người mua lại, thương hiệu Lacroix buộc phải từ bỏ phân khúc thời trang xa xỉ như là một phần của kế hoạch tái cơ cấu hoạt động.

Trong suốt 22 năm qua, Christian Lacroix - ông chủ của thương hiệu Lacroix và là một trong những nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới của Pháp - chưa bao giờ có lợi nhuận từ phân khúc thời trang xa xỉ. Riêng năm ngoái công ty đã lỗ gần 10 triệu euro trên tổng doanh thu 30 triệu euro.

Theo kế hoạch tái cơ cấu, Lacroix sẽ phải bán lại thương hiệu nước hoa và đồ phụ trang, đồng thời giảm nhân viên từ 124 người xuống còn hơn 10 người.

Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Christian Estrosi từng nói: “Lacroix là biểu tượng của ánh hào quang nước Pháp”. Trên thực tế, các mẫu thiết kế với màu sắc sặc sỡ và táo bạo của Lacroix được coi là biểu tượng của tinh hoa thời trang xa xỉ.

Những bộ trang phục của nhà thiết kế này chỉ dành cho một số lượng rất nhỏ khách hàng, thường được thiết kế kiểu cách và có mức giá cao ngất ngưởng.

Quá đắt và quá bất tiện

Sự sụp đổ của thương hiệu Lacroix hùng mạnh một thời chỉ là phần nổi của những khó khăn mà ngành công nghiệp thời trang xa xỉ đang phải đối mặt.

Trước cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, rất nhiều thương hiệu lớn đã phải từ bỏ phân khúc thời trang xa xỉ để tập trung cho hàng may sẵn và đồ phụ trang mang lại nhiều lợi nhuận.

Hãng Versace có trụ sở ở Milan (Italia) gần đây đã phải thực thi kế hoạch tái cơ cấu, bao gồm cắt giảm 350 nhân viên, đồng thời đóng cửa tiệm ở Nhật Bản - một trong những thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới.

Ngay cả thương hiệu “khủng” Chanel cũng phải thu hẹp hoạt động và cắt giảm 200 nhân viên vào cuối năm ngoái. Một bộ quần áo được xếp vào diện “thời trang xa xỉ” thường có giá khởi điểm khoảng 20.000 euro (khoảng 500 triệu đồng).

Đó là mức giá chỉ dành cho những khách hàng siêu giàu và người ta ước tính không có nhiều hơn 500 người như vậy trên toàn thế giới. Chúng được “thửa” riêng theo nhu cầu của từng khách hàng và hoàn toàn được làm thủ công.

Một tiệm thời trang phải có hàng chục thợ may và phụ việc, để đảm bảo tất cả các bộ trang phục khi đến tay khách hàng đều phải đạt mức “hoàn hảo”.

Trong những tháng vừa qua, khi tài sản của hầu hết mọi người đều hao hụt, không nhiều người muốn bỏ một số tiền như vậy cho quần áo. Anne Valérie Hash, một nhà thiết kế thời trang cao cấp, ví von: “Khi các ông chồng mất hàng triệu USD trên thị trường chứng khoán, các bà vợ sẽ không mua 10 bộ quần áo nữa. Họ chỉ mua 1 bộ mà thôi”.

Mặc dù khi nói đến thời trang xa xỉ người ta hay nghĩ đến Pháp, nhưng trên thực tế đó là sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa và cha đẻ của loại thời trang “chỉ dành cho một người” lại là một người Anh, tên là Charles Frederick Worth.

Hồi giữa thế kỷ 19, Worth đã tạo ra một cuộc cách mạng thời trang ở Paris bằng cách cho khách lựa chọn một bộ từ catalogue mẫu, rồi điều chỉnh nó sao cho vừa vặn và phù hợp nhất.

Phương pháp của Worth đặt nền móng cho các nhà thiết kế mốt sau này như Lanvin, Chanel, Dior, Balenciaga và Givenchy.

Muốn tồn tại phải thay đổi

Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng lâm vào tình trạng nguy khốn. Stephane Rolland, một nhà thiết kế thời trang  xa xỉ mới thiết lập thương hiệu cách đây 2 năm tại Paris nhưng đã rất thành công về mặt thương mại.

Hiện anh có 80-100 khách hàng thường xuyên, trong đó có Hoàng hậu Jordan và ngôi sao truyền hình Cheryl Cole. Hầu hết khách hàng của anh đến từ các nước Trung Đông. “Tôi chỉ cần cung cấp trang phục cho ba đám cưới ở Arập Xêút là đủ sống cả một vụ”, anh nói.

Rolland cho biết, để thành công, ngoài việc tìm kiếm thị trường mới anh phải giảm giá và ăn về số lượng. Một bộ trang phục đặc biệt do Rolland thiết kế mất khoảng 200 giờ để hoàn thiện và có giá khoảng 50.000 euro. Nhưng do kinh tế suy thoái anh giảm giá bán 20%.

“Lần đầu tiên, có những khách hàng trả góp, bởi họ sợ những gì đang diễn ra trên tivi”, Rolland nói. Các chuyên gia thời trang cho rằng đã qua rồi thời kỳ nhà thiết kế được tự do sáng tạo và hái bộn tiền. Thời trang phải tự thay đổi thành một cái gì đó “ít thuần khiết hơn và nhiều tính thương mại hơn”.

Để tồn tại được, một nhà thiết kế phải đa dạng hóa thương hiệu bằng cách sản xuất nước hoa, phụ trang và hàng may sẵn, từ đó xây dựng tiềm lực tài chính đủ để “chơi” với lĩnh vực thời trang xa xỉ đầy rủi ro.

Các mẫu thiết kế cũng phải gần hơn với cuộc sống để khách hàng có thể dám mặc lên người. Rolland cho biết, anh là một trong những nhà thiết kế đầu tiên bay tới Trung Đông để nghiên cứu về cách ăn mặc và cuộc sống ở đây.

Chưa biết các tiệm thời trang xa xỉ khác ở Paris, Milan, London sẽ học theo cách của Rolland hay không, nhưng đã không còn là quá sớm để dự đoán ngành thời trang xa xỉ sẽ đi đến chỗ diệt vong nếu không thay đổi./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục