Thôn Định Tân - Đan thuyền mưu sinh và cứu hộ

Làng đan thuyền nan thôn Định Tân (Thanh Hóa) là cơ sở chính cung cấp phương tiện sơ tán cho người dân các nơi khi lũ về.
Từ bao đời nay, làng đan thuyền nan cứu hộ thôn Định Tân, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã sống cùng với biết bao trận lũ lịch sử. Chính vì thế mà nghề đan thuyền nan vừa là nghiệp mưu sinh và cũng là "phao" cứu hộ cho người dân sơ tán mỗi khi lũ về.

Cứu người "gián tiếp"

Men theo con đê Thạch Định đã bị bào mòn nhiều đoạn do hàng năm phải đối mặt với nhiều trận lũ của con sông Bưởi, chúng tôi đến với làng đan thuyền nan cứu hộ. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những chiếc thuyền nan trông thật mảnh mai, gọn nhẹ nhưng lại có một sức mạnh thần kì để lướt trên những con lũ hung dữ.

Tiếp chúng tôi là bác Trương Cao Thắng năm nay 55 tuổi, là một thợ đan thuyền có tiếng trong làng, bác cho biết: “Làng được hình thành đã từ rất lâu, nghề đan thuyền do ông cha vùng lũ tự học rồi phát triển và truyền nghề cho đến bây giờ”.

Hiện nay, nghề đan thuyền phát triển theo phương thức góp vốn giữa các hộ gia đình tạo thành các cơ sở nhỏ. Không giống như những nghề khác, nghề đan thuyền làm hoàn toàn thủ công, nên đòi hỏi sự lành nghề của người thợ. Thu nhập từ nghề khoảng 80.000-100.000 đồng/ngày. Theo những người thợ thì mức thu nhập này đã cao hơn so với lao động phổ thông ở làng. Đặc biệt, nghề đã giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Nghề đan thuyền làm quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là khi mùa lũ sắp về. "Lúc này có hàng nghìn đơn đặt hàng từ các huyện, xã lân cận. Vì vậy, chúng tôi phải làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, thuê thêm người làm để đáp ứng nhu cầu dùng thuyền chạy lũ của bà con", bác Lê Văn Thành tâm sự.

Ở đây, thuyền nan có mặt ở tất cả các nhà dân vùng lũ. Nó đã thay thế toàn bộ thuyền bê tông và thuyền tôn, do đặc tính của thuyền nan là nhẹ và chống được lật nên rất an toàn. Nhìn lại trận lũ lịch sử năm 2007, nhờ có thuyền nan nên chỉ tính riêng xã Thạch Định đã ứng cứu được khoảng 1.000 tấn lương thực, hơn 1.000 con gia cầm, sách vở và đồ dùng học tập đến nơi an toàn.

Để hoàn thiện được những chiếc thuyền nan, những người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Chẻ nan, vuốt nan cẩn thận để đan thành mê thuyền, sau đó dùng thép gia cố, cuối cùng là sơn nhựa đường để khô và giao hàng. Khi đan thuyền, người thợ phải tính toán được độ dài, rộng, cách lận nan để vừa tiết kiệm nguyên liệu, vừa đảm bảo các thông số kĩ thuật. Ngoài ra còn phải tính toán đến lực nén, áp suất...

Trong các công đoạn làm thuyền, quan trọng nhất phải nói đến quá trình gia cố thuyền. Quá trình này người thợ phải đào một cái hố hình thuyền ngay dưới mặt đất sao cho đúng thông số kĩ thuật của thuyền, sau đó cho thuyền xuống uốn và gia cố. Có như vậy thuyền nan mới đảm bảo được chất lượng và có hiệu quả tốt nhất.

Để đan được một chiếc thuyền nan, thợ lành nghề phải mất 8-10 công.

Khẳng định thương hiệu

Hiện xã Thạch Định có 17 cơ sở đan thuyền hoạt động theo mô hình có sự góp vốn giữa các hộ gia đình. Do người thợ có tay nghề cao nên những chiếc thuyền nan làm ra ngày càng có giá trị, được người dân ưa chuộng. Chỉ tính trong tháng 7/2008, làng đã xuất 200 chiếc thuyền nan to, nhỏ các loại đi khắp các nơi trong tỉnh.

Những chiếc thuyền nhỏ chở từ 3- 4 người thường bán với giá từ 1,5-2 triệu đồng/chiếc. Những chiếc thuyền to được bán với giá cao hơn, tùy thuộc vào sức chuyên chở của thuyền.

"Tiếng lành đồn xa", thuyền nan Thạch Định không những được mọi người dân trong tỉnh biết đến mà người dân các tỉnh lân cận cũng tìm đến để mua thuyền chạy lũ. Anh Nguyễn Văn Tình, một thợ buôn đến từ Hà Tĩnh, cho biết: “Người dân chúng tôi rất thích dùng thuyền nan để chạy lũ. Tôi vừa chuyển 60 chiếc thuyền nan về bán lẻ cho bà con, nhưng do số lượng không đáp ứng đủ nhu cầu nên tôi tiếp tục quay lại làng để đặt hàng đấy”.

Đang bận rộn bên chiếc thuyền còn dang dở, nhưng bác Trương Cao Thắng vẫn vui vẻ cho hay: Tại cuộc thi thương hiệu làng nghề do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, làng thuyền nan của chúng tôi được tỉnh bình chọn là "làng nghề chống lụt" do có những thuyền nan mang ý nghĩa rất lớn trong việc giúp dân chạy lũ đấy!".

Ngoài ra, làng còn được tỉnh trao tặng bằng khen và liên tục được cử đi giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu ở trong và ngoài tỉnh. Vừa qua, thuyền nan của thôn Định Tân đã được tỉnh chọn làm phương tiện chính tham gia diễn tập phòng, chống bão lũ và đã phát huy được hiệu quả cao.

Mỗi ngày, làng thuyền nan lại nhận được thêm những đơn đặt hàng mới có số lượng lớn từ các tổ chức trong và ngoài tỉnh. Đắt hàng nhưng trên tinh thần "tương thân tương ái" làng thuyền nan luôn ưu tiên, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể mua thuyền nan chạy lũ như bán nợ, hoặc bán với giá rẻ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạch Định Phạm Lâm Đồng cho biết: "Để giúp làng nghề phát triển, chúng tôi đã đứng ra tập hợp những tổ đóng thuyền nhỏ lẻ thành các cơ sở, UBND xã đứng ra làm đầu mối cung ứng và hỗ trợ 50% kinh phí mua nguyên liệu, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng về kĩ năng đan thuyền."/.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục