Thông điệp của chính quyền Mỹ về sự hiện diện quân sự ở Syria

Sáu tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố muốn rút quân đội nước này ra khỏi Syria, tuy nhiên những hé lộ từ đội ngũ cố vấn khiến dư luận Mỹ nghi ngờ: Mỹ sẽ không rút quân khỏi đất nước này.
Thông điệp của chính quyền Mỹ về sự hiện diện quân sự ở Syria ảnh 1Binh sỹ Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AFP đưa tin, 6 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố muốn rút quân đội nước này ra khỏi Syria, tuy nhiên những hé lộ từ đội ngũ cố vấn đã khiến dư luận Mỹ đặt nghi ngờ: Mỹ sẽ không rút quân khỏi Syria.

Giới chức trong chính quyền Trump nói rằng Mỹ sẽ chưa rút quân cho đến khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại hoàn toàn.

Quân đội Mỹ đã bắt đầu can dự vào cuộc nội chiến ở Syria từ cuối năm 2014 và đến thời điểm hiện tại đang duy trì khoảng hơn 2.000 binh sỹ tại nước này với nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện và đóng vai trò cố vấn cho người Kurd sở tại cũng như các chiến binh người Syria gốc Arab.

Với những thắng lợi vang dội trên thực địa cũng như khả năng đánh bại IS là ở trong tầm tay nên ông Donald Trump hồi tháng Ba vừa qua đã nói rằng ông muốn rút quân đội Mỹ khỏi Syria "càng sớm càng tốt" và sau đó còn nhấn mạnh thêm rằng nhiệm vụ của quân đội Mỹ ở Syria sẽ "kết thúc nhanh chóng."

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo rằng việc rút quân quá nhanh có thể là "một sai lầm chiến lược."

Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Syria mới đây còn nói rằng người Mỹ "không vội vàng" rút khỏi quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng hồi đầu tuần này, ông Mattis nhấn mạnh: "Việc giải thoát cho Syria khỏi sự chiếm đóng của IS không có nghĩa là chúng ta nói đồng ý một cách mù quáng, tránh né nó và rũ bỏ nó để rồi lại tự hỏi tại sao Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại tái sinh.

[Có phải Mỹ đang bất lực nhìn Nga và Iran kiểm soát Syria?]

Đây không phải là một cuộc chiến tranh thông thường, nơi mà bạn có thể giương cao ngọn cờ ở thủ đô của kẻ thù và họ ký kết hiệp ước hòa bình. Đó không phải là bản chất của kẻ thù."

Chiến tranh liên miên

Và vào ngày 24/9 vừa qua, John Bolton, Cố vấn An ninh quốc gia của chính quyền ông Trump, người có tư tưởng hiếu chiến trong vấn đề Iran, đã khiến ý tưởng rút quân của ông Trump trở nên xa vời hơn khi liên kết đến những hành động của Iran ở Syria.

Ông nói với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ không rút quân khỏi Syria chừng nào quân đội Iran vẫn còn hiện diện trên lãnh thổ Syria. Lực lượng này bao gồm cả đội quân ủy nhiệm và các du kích Syria."

Andrew Parasiliti của RAND Corporation nói với hãng tin AFP rằng "Chính sách của Mỹ hiện nay là duy trì sự hiện diện tại Syria chừng nào quân đội Iran vẫn còn ở đó. Và dường như Iran vẫn chưa có ý định rút lui. Điều này cũng có thể khiến căng thẳng leo thang hoặc xảy ra những đụng độ bất ngờ với quân đội Nga."

Hôm 17/9 vừa qua, lực lượng phòng không Syria đã vô tình bắn hạ một máy bay quân sự của Nga trên Địa Trung Hải khiến 15 quân nhân Nga bị thiệt mạng trong lúc Israel đang tiến hành một chiến dịch nhằm vào các cơ sở quân sự của Syria. Moskva đổ lỗi cho Israel gây ra sự việc này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định lỗi gây ra vụ máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị bắn rơi ở Syria hoàn toàn thuộc về "Lực lượng phòng không Israel."

Theo ông Konashenkov, lực lượng phòng không của Israel đã đánh lừa máy bay quân sự của Nga về vị trí tấn công của máy bay tiêm kích F-16, khiến máy bay trinh sát Il -20 không thể bay vào khu vực an toàn.

Pháp hôm 23/9 vừa qua cũng cảnh báo rằng những nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Trung Đông vẫn hiện hữu trừ phi các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình cho vấn đề Syria.

Phát biểu với báo giới bên lề phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh: "Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những người ủng hộ ông này sẽ phải có trách nhiệm cùng nhau tìm ra một giải pháp chính trị. Nếu không, chúng ta sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh không có hồi kết ở khu vực này"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục