Thông điệp của Tổng thống Trump giữa lúc chính trường Mỹ chia rẽ

Thông điệp Liên bang thứ hai của Tổng thống Trump được đánh giá là một trong những bài diễn văn mang đậm tính chính trị nhất của các Tổng thống Mỹ trong những năm gần đây.
Thông điệp của Tổng thống Trump giữa lúc chính trường Mỹ chia rẽ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phía trước) đọc Thông điệp liên bang tại Hạ viện ở Washington D.C., tối 5/2/2019 (giờ địa phương). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bầu không khí xung đột căng thẳng trên chính trường hiện nay, tối 5/2 theo giờ Mỹ (sáng 6/2 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đọc Thông điệp Liên bang năm 2019 tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội.

Đây là Thông điệp Liên bang thứ hai của Tổng thống Trump và được đánh giá là một trong những bài diễn văn mang đậm tính chính trị nhất của các Tổng thống Mỹ trong những năm gần đây, trong bối cảnh hai chính đảng lớn nhất ở Mỹ đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc về hàng loạt vấn đề trong nước và quốc tế có liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân Mỹ.

Mở đầu Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump kêu gọi một kỷ nguyên hợp tác mới nhằm phá vỡ "hàng thập kỷ" bế tắc chính trị ở Mỹ, với vấn đề gây chia rẽ nhất hiện nay là nhập cư và an ninh biên giới.

[Hình ảnh Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp liên bang lần thứ hai]

Trước sự chứng kiến của tân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - đối thủ lớn nhất của ông Trump bên phía đảng Dân chủ, vị Tổng thống của đảng Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Quốc hội để đạt được những đột phá mang tính lịch sử cho toàn thể người dân Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn nước Mỹ có một hệ thống nhập cư "an toàn, hợp pháp, hiện đại và vững chắc."

Cũng gắn liền với lợi ích của người dân Mỹ là thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Về vấn đề này, người đứng đầu Nhà Trắng nêu rõ các cuộc đàm phán thương mại tích cực giữa Washington và Bắc Kinh là để chấm dứt hành vi "đánh cắp" việc làm và tài sản của người Mỹ.

Ông kêu gọi Trung Quốc thực hiện những thay đổi sâu rộng về "cơ cấu" đối với chính sách công nghiệp, nhấn mạnh "bất kỳ thỏa thuận nào với Bắc Kinh cũng cần phải bao gồm những thay đổi cơ cấu thực chất để chấm dứt các hành vi thương mại không công bằng."

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhận định nền kinh tế Mỹ vẫn đang chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có, bất chấp những tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

Theo ông Trump, trong vòng 2 năm kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng năm 2016, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng gấp đôi, tạo ra 5,3 triệu việc làm mới, trong khi tăng trưởng tiền lương ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Đề cập vấn đề chăm sóc sức khỏe, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh cuộc chiến chống HIV/AIDS, theo đó ông kêu gọi hai phe Dân chủ và Cộng hòa cùng cam kết xóa bỏ bệnh AIDS tại Mỹ trong vòng một thập kỷ.

Tổng thống Trump khẳng định: "Cùng với nhau, chúng ta sẽ đánh bại AIDS tại Mỹ và ngoài nước Mỹ."

Đề cập cuộc chiến tại Afghanistan, ông Trump cho biết cuộc đàm phán giữa Mỹ và lực lượng Taliban diễn ra "mang tính xây dựng" và đang đạt được nhiều tiến triển.

Ông bày tỏ hy vọng về khả năng đạt được một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng và đẫm máu ở Afghanistan, qua đó để ngỏ khả năng giảm sự hiện diện của Mỹ tại nước này.

Tổng thống Trump cũng cam kết sẽ rút binh sỹ Mỹ khỏi Syria, trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gần như đã bị đánh bại.

Về tình hình bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo này, đồng thời cho biết ông sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam vào ngày 27-28/2 tới.

Sau khi Tổng thống Trump kết thúc bài diễn văn quan trọng kéo dài 82 phút, các Bộ trưởng trong nội các và đảng Dân chủ đã đưa ra phản ứng trái chiều. Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker và Bộ trưởng Thương mại Wilber Ross đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của người đứng đầu Nhà Trắng.

Trong khi đó, nghị sỹ Stacey Abrams đại diện cho đảng Dân chủ chỉ trích Tổng thống Trump đã phớt lờ người dân Mỹ và các giá trị của nước Mỹ khi gây ra tình trạng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong thời gian dài nhất trong lịch sử.

Bà Stacey là một chính khách đang nổi lên của đảng Dân chủ, được đảng này lựa chọn phát biểu phản ứng về Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump.

Phát biểu tại Atlanta, bà Abram chỉ trích chính sách thuế áp dụng năm 2017 cũng như chính sách nhập cư cứng rắn gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump.

Bà cho rằng nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn chính là nhờ những người nhập cư chứ không phải là bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Ngoài ra, bà Abrams lên tiếng bảo vệ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe với giá cả phù hợp cũng như kêu gọi các biện pháp kiểm soát súng và đưa ra hành động nhanh chóng đối với tình trạng biến đối khí hậu.

Đây sẽ là những vấn đề trọng tâm của các cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2020.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng chỉ trích Tổng thống Trump không để Quốc hội Mỹ thực thi chức năng giám sát của cơ quan lập pháp được quy định trong Hiến pháp.

Bà kêu gọi Tổng thống Trump hợp tác với đảng Dân chủ để mang lại sự đảm bảo về kinh tế và sức khỏe đối với các gia đình trên khắp nước Mỹ.

Thông điệp của Tổng thống Trump giữa lúc chính trường Mỹ chia rẽ ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đọc Thông điệp liên bang tại Hạ viện ở Washington D.C., tối 5/2/2019 (giờ địa phương). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump là tâm điểm của đời sống chính trị Mỹ đầu năm 2019 và có thể sẽ định hình chương trình nghị sự của chính quyền cũng như đảng Cộng hòa trong thời gian tới.

Theo dự kiến ban đầu, bài diễn văn quan trọng này lẽ ra đã được đưa ra trước thời điểm Quốc hội Mỹ triệu tập phiên họp chung vào dịp đầu Năm mới như thường lệ, nhưng đã bị dời lịch chậm một tuần do những bất đồng giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ liên quan đến khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Trước khi Tổng thống Trump nhận lời đề nghị của Chủ tịch Hạ viện Pelosi đọc Thông điệp Liên bang như dự kiến vào ngày 29/1, các nghị sỹ Dân chủ đã bác bỏ đề xuất của ông Trump về việc xây bức tường dọc biên giới nói trên, dẫn tới việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong 35 ngày.

Ngày 25/1, Tổng thống Trump đã ký phê chuẩn dự luật cấp ngân sách cho một số cơ quan chính phủ đến hết ngày 15/2, theo đó Nhà Trắng và các nghị sỹ đảng Dân chủ có thêm thời gian thương lượng về các vấn đề liên quan đến an ninh biên giới gây bất đồng giữa hai bên.

Tuy nhiên, nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một lần nữa vẫn hiện hữu do những bất đồng liên quan ngân sách cho bức tường biên giới chưa được giải quyết, trong khi thời điểm hết hiệu lực khoản ngân sách tạm thời nói trên đang cận kề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục