Thông điệp từ cuộc khủng hoảng Brexit gửi tới ông Trump

Giống như Brexit phản ánh tâm lý chính trị của Mỹ, những gì xảy ra đối với bà May cũng là một sự báo trước cho những gì mà Trump có thể trải qua trong lần bầu cử tổng thống tiếp theo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ ở Grand Rapids, bang Michigan. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ ở Grand Rapids, bang Michigan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng truyền thông ABC Australia vừa đăng bài phân tích của nhà báo Micheline Maynard, trong đó nêu ra những tác động mà cuộc khủng hoảng Brexit có thể ảnh hưởng đến tương lai nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.

Nội dung bài viết như sau:

Một chiến dịch với sự cuồng nhiệt của dàn hòa âm “bài trừ ngoại quốc” và nỗi lo lắng về kinh tế. Những cái đầu bốc lửa với lời thề phải thay đổi. Một cộng đồng dân chúng lựa chọn đi theo đường lối chính trị mới. Và bây giờ, sự tức giận, cùng hối tiếc, đang lan rộng khi mọi thứ đã không còn như quảng cáo.

Đó là những ngôn từ miêu tả cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) và hậu quả của nó. Nhưng, đó cũng có thể là từ ngữ để nói về chiến dịch và nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đắc cử chỉ năm tháng sau khi các cử tri Anh chấp thuận một cuộc ly hôn vội vã với châu Âu.

Vào thời điểm đó, các nhà bình luận nói rằng hai phong trào phản chiếu lẫn nhau, cuộc bầu cử của Trump phản ánh sự bất mãn giống như một số cử tri Anh cảm thấy.

Trump khá im lặng về Brexit

Brexit, về mặt triết lý, có thể được xem là một yếu tố hỗ trợ chiến thắng của ông Trump. Một sự tách rời suôn sẻ giữa Anh và EU sẽ biện minh cho rất nhiều bước đi táo bạo mà ông Trump nói sẽ đạt được nếu ông trở thành tổng thống Mỹ. Nó cũng giúp lý giải vì sao Trump khá im lặng về những diễn biến của vở kịch Brexit, đang lặp đi lặp lại tại Quốc hội Anh.

Trên thực tế, ngày 29/3 vừa qua, ông Trump đã gọi Thủ tướng Anh Theresa May là “một người phụ nữ rất tốt. Bà ấy là bạn của tôi.” Điều này phản ánh thiện cảm mà ông Trump thể hiện với bà May từ những lần gặp gỡ ngay đầu nhiệm kỳ của mình.

Thế nhưng không rõ bà May hỗ trợ ông Trump, hay ông Trump giúp đỡ bà May, như ông tuyên bố ở phần sau. Ông Trump nói: “Bà ấy là người mạnh mẽ, cứng rắn và bà ấy ở đó là để chiến đấu.”

Sau Theresa May, ai sẽ là người tiếp theo?

Mặc dù luôn hướng cái nhìn tới tương lai, nhưng Trump cũng dành những lời thân thiện để nói về Boris Johnson, cựu thị trưởng thành phố London, người có thể thay thế bà May nếu bà ra đi.

Đầu tháng 3/2019, Trump bày tỏ thất vọng về tình trạng bế tắc của Brexit. Ông Trump nhấn mạnh rằng ông đã cho bà May lời khuyên về cách đàm phán như thế nào, nhưng bà không lắng nghe.

Có lẽ, ông Trump đang ứng xử thận trọng với cả bà May và ông Johnson vì lợi ích quan hệ của ông với người Anh.

Tuy nhiên, giống như Brexit phản ánh tâm lý chính trị của Mỹ, những gì xảy ra đối với bà May cũng là một sự báo trước cho những gì mà Trump có thể trải qua trong 20 tháng tới, trước khi người dân Mỹ đi bỏ phiếu cho lần bầu cử tổng thống tiếp theo.

Sự trượt chân của Trump trong vai trò lãnh đạo

Khác xa với “chiến thắng” mà Trump tự hào khoe khoang rằng ông và đảng của mình sẽ đạt được, chính quyền của ông đã phải đối mặt với nhiều trận chiến trong việc đạt được các mục tiêu gây tranh cãi của mình.

Bức tường mà tổng thống Mỹ từng cam kết sẽ xây dựng tại biên giới Mexico chỉ mới bắt đầu xuất hiện, khi Trump sử dụng quyền hành pháp để cung cấp 1 tỷ USD cho việc thực hiện.

Tuần trước, ông Trump đã phải hủy kế hoạch tài trợ của chính phủ dành cho chương trình Thế vận hội đặc biệt, một cơ hội thể thao dành cho những người khuyết tật trẻ tuổi, sau khi lưỡng đảng phản đối về sự bất công của kế hoạch đó.

Tuần trước, Trump đã tuyên bố chiến thắng khi bản báo cáo tóm tắt cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga trong bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy không có bất kỳ hành động sai trái nào từ phía Trump. Mặc dù vậy, bản báo cáo đầy đủ khoảng 300 trang vẫn chưa được công bố. Do đó, những tuyên bố hoàn toàn vô tội của Trump chưa đủ căn cứ.

Khi còn kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, đảng của ông Trump đã không thể thực hiện các mục tiêu lập pháp của mình. Cuối năm ngoái, đảng Cộng hòa đã mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một thành viên đảng Dân chủ, đã kịp củng cố quyền lực chính trị của mình và chứng tỏ bà là một đối thủ đáng gờm.

Tại sao ông Trump cần Brexit được thực hiện

Những gì mà Trump cần là một ví dụ thành công ở một nơi nào đó trên thế giới, để cho thấy rằng những người ủng hộ ông vào vị trí tổng thống Mỹ là phần của một phong trào toàn cầu đang lan rộng.

Quay lại năm 2016, Ali Burke, một chủ quán rượu tại thị trấn Marsgate của nước Anh, đã nói với đài phát thanh NPR của Mỹ rằng bà nghĩ Brexit sẽ giúp kiềm chế sự nhập cư tràn lan vào thị trấn ven biển này.

Bà Burke nói: “Bạn biết đấy, chúng ta cần phải vẽ một lằn ranh ở đâu đó. Và chúng ta phải bắt đầu đặt quốc gia của chúng ta lên trên hết. Tôi tin vào điều đó.”

Tuần trước, Tim Parsons, một chuyên gia tài chính tại London, thừa nhận ông ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit. “Đất nước này đang ở trong tình thế nguy hiểm khi tự bắn vào chân mình,” ông Parsons nói với NPR, “Có một cuộc bỏ phiếu, nhưng không ai biết đang bỏ phiếu về cái gì. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nên tổ chức lại một cuộc bỏ phiếu khác.”

Thời gian không còn nhiều

Có lẽ sẽ không có một cuộc bỏ phiếu Brexit lần nữa. Tuy nhiên, Trump vẫn phải đối mặt với cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 11/2020.

Và lần này, vị tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ không còn được ủng hộ bởi đám đông “tức giận toàn cầu” để đưa ông tới chiến thắng. Thậm chí, Trump có thể sẽ phải chịu hiệu ứng ngược từ chính những gì mà ông đã tạo ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục