Thống đốc yêu cầu lập đường dây nóng xử lý vướng mắc cho khách hàng

Thống đốc yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp.
Thống đốc yêu cầu lập đường dây nóng xử lý vướng mắc cho khách hàng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01/2020/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Để chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất-kinh doanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, các Hiệp hội trên địa bàn liên quan đến Thông tư 01.

Các tổ chức này cũng cần thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp, người dân biết.

[COVID-19: Các ngân hàng được quyền chủ động cơ cấu lại nợ]

Thống đốc cũng yêu cầu thành lập bộ phận thường trực tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân qua đường dây nóng. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn.

Đối với các phản ánh, kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương chủ động liên hệ ngay với văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước để phối hợp xử lý.

Bên cạnh đó, Thống đốc yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt Thông tư 01 và hướng dẫn của hội sở chính; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.

Thông tư 01 gồm 03 chương và 10 điều, trong đó có quy định một số nội dung quan trọng liên quan đến phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ.

Theo đó, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc hoặc đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19. 

Thông tư cũng cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 trong thời gian cơ cấu lại đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Thông tư này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục