Thống nhất quy định điều kiện đi lại cho công nhân cảng biển mùa dịch

Tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm căng thẳng nhất, lực lượng lao động cần kíp cho sản xuất đã bị thiếu hụt 50% và chỉ còn 250 người do nhiều công nhân nằm trong các khu phong tỏa.
Thống nhất quy định điều kiện đi lại cho công nhân cảng biển mùa dịch ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về các giải pháp cấp bách liên quan đến nguồn lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong đại dịch COVID-19.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký cho biết Bộ nhận được công văn số 5348/CV-VPCP ngày 5/8 của Văn phòng Chính phủ chuyển đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

Trong công văn trên có nội dung: “Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc giao đầu mối các bộ ngành, địa phương, rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp, ... tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper) giờ đã được tính toán các biện pháp quản lý để đi lại thực hiện công việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.”

Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận với kiến nghị Chính phủ của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét, chỉ đạo tổ chức thực hiện tại địa phương.

[Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành gỡ khó cho đầu tư, kinh doanh]

Trước đó, nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ để phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến lực lượng công nhân, người lao động của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp cảng biển nói chung.

Đơn cử, tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm căng thẳng nhất, lực lượng lao động cần kíp cho sản xuất đã bị thiếu hụt 50% và chỉ còn 250 người do đội ngũ công nhân có nhiều người nằm trong các khu dân cư bị phong tỏa, quy định hạn chế đi lại giữa các địa phương có dịch.

Trong khi đó, lực lượng nhân sự cần thiết bắt buộc phải có mặt tại hiện trường duy trì hoạt động khai thác trong ngày (3 ca sản xuất tiếp nhận trung bình 12 chuyến tàu container xuất nhập khẩu) là 500 người. Đó là chưa kể nhân viên hải quan, hãng tàu và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.

Để giải quyết bất cập trên, Cục Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp cảng và hiệp hội cảng biển đã gửi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép số lượng lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất của cảng, nếu không cư trú tại các khu vực bị phong tỏa được phép lưu thông đến cảng làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục