Thông tấn xã Giải phóng

Lời dẫn

Trong hơn một thập kỷ kiên cường hoạt động dưới bom đạn kẻ thù (1960-1975), Thông tấn xã Giải phóng đã hoàn thành “sứ mệnh” vẻ vang, duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng đã “tay bút, tay súng,” hòa mình vào cuộc chiến chung của dân tộc. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu, suối nguồn. Máu của các nhà báo-chiến sỹ thấm trong mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt.

45 năm đã qua đi, những người trở về từ cuộc chiến vẫn không giấu được sự xúc động, những hàng lệ trực trào ra nơi khóe mắt khi nhớ về một thời đạn bom. Sau cùng, trong câu chuyện của những chứng nhân lịch sử ấy, niềm tự hào về truyền thống vẻ vang, sự tiếp bước của những thế hệ người làm báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) sau này vẫn vẹn nguyên, lấp lánh.

Thông tấn xã Giải phóng: Khi lịch sử yêu cầu, tất cả đều sẵn sàng

Từ chiến khu Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng ra đời, không ngừng lớn mạnh. Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã có mặt, kiên cường bám trụ ở hầu hết trận địa, điểm nóng trên chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu và ghi lại những chiến công, trang sử hào hùng của dân tộc.

Những bản tin từ thiết bị cũ kỹ

Đầu năm 1960, cách mạng ở miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Cơ quan Xứ ủy Nam kỳ dời về căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh), xúc tiến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Để phục vụ cho việc tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, ngày 22/4/1960, Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ ra Chỉ thị số 18-TVA về việc tổ chức một bộ phận cán bộ chính trị và cán bộ kỹ thuật để thành lập một cơ quan thông tin chính thức ở miền Nam.

Xứ ủy đã giao nhà báo Đỗ Văn Ba (nguyên phụ trách chi nhánh Việt Nam Thông tấn xã Nam bộ trong thời kháng chiến chống Pháp) chịu tránh nhiệm triển khai, chuẩn bị nhân sự, phương tiện kỹ thuật… cho sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng.

Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. Ảnh: TTXVN

Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. Ảnh: TTXVN

Các tài liệu còn lưu giữ hiện nay của Thông tấn xã Việt Nam, trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, nêu rõ nhiệm vụ của cơ quan thông tin chính thức ở miền Nam rất nặng nề.

Đây không chỉ cung cấp tin tức cho lãnh đạo Xứ ủy mà phải liên hệ với các địa phương, tổng hợp tình hình, biên soạn tin tức và phát ra Hà Nội để cung cấp kịp thời cho Trung ương Đảng, các cơ quan Nhà nước và toàn thể nhân dân miền Bắc về diễn biến thực tế cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam.

Trước yêu cầu mới, lực lượng cán bộ được tăng cường từ đất thép Củ Chi, Long An, Đồng Tháp…

Sau một thời gian khẩn trương tập hợp, bổ sung lực lượng, chuẩn bị máy móc, thiết bị, đúng 19 giờ ngày12/10/1960, với chiếc máy phát 15W và máy ragono cũ (do Trung ương chi viện từ năm 1954), từ chiến khu Dương Minh Châu, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng được phát đi. Bản tin này cũng là thông báo ra mắt của Thông tấn xã Giải phóng.

Bản tin tiếng Việt có tiêu đề “Giải phóng xã,” phía dưới ghi dòng chữ “Cơ quan thông tấn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam,” thông báo với nhân dân trong nước và thế giới về phong trào Đồng khởi của đồng bào miền Nam, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới – giai đoạn dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù.

Trong thời gian đầu thành lập, Thông tấn xã Giải phóng là một bộ phận của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (từ năm 1961 là Trung ương Cục miền Nam).

Từ đó, bản tin của Thông tấn xã Giải phóng được phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày. Đây là nguồn thông tin không thể thiếu của nhiều cơ quan thông tin ở Việt Nam và ở nước ngoài (phần lớn thông qua Việt Nam Thông tấn xã) lúc bấy giờ, cũng như đối với những người quan tâm tình hình miền Nam trước ngày thống nhất đất nước.

Kiên cường bảo vệ căn cứ

Trong suốt chặng đường 15 năm hoạt động, hàng trăm phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, kỹ thuật viên… của Thông tấn xã Giải phóng vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ vừa phải bảo đảm cung cấp thông tin chuẩn xác, liên tục cho Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chuyển tin ra miền Bắc.

Dù thời gian đã lùi xa hơn bốn thập kỷ, nhưng ký ức về những tháng ngày làm báo trong lửa đạn vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhà báo Vũ Tiến Cường, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Hồi ức về những ngày tham gia “bẻ gãy” chiến dịch Junction City như thước phim quay chậm mở ra trước mắt ông.

Phóng viên Đinh Quang Thành của Việt Nam Thông tấn xã gặp gỡ, thu thập thông tin từ người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Phóng viên Đinh Quang Thành của Việt Nam Thông tấn xã gặp gỡ, thu thập thông tin từ người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Nhà báo Vũ Tiến Cường kể, trong thời gian từ ngày 2/2-15/3/1967, quân Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa mở chiến dịch càn quét quy mô lớn ở miền Nam mang tên Junction City, nhắm vào các căn cứ của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Chiến khu C.

Địch huy động khoảng 4,5 vạn quân với sự yểm trợ của nhiều xe tăng, “pháo đài bay” B52 cùng các loại máy bay khác và nhiều loại pháo, trang thiết bị tối tân, hiện đại khi đó nhằm các cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam. Đặc biệt, địch tập trung đánh vào căn cứ của Trung ương Cục miền Nam nằm ở hai bên Quốclộ 22, Bắc Tây Ninh.

“Trước diễn biến nhanh chóng của thực tế, nhà báo Võ Nhân Lý (Vũ Linh), Giám đốc cơ quan Thông tấn xã Giải phóng đã hạ lệnh di chuyển. Từ khu vực Cây Dầu Trời Đánh, vượt ‘Trảng Cố vấn,’ cơ quan Thông tấn xã Giải phóng đến bám trụ ven Trảng Tranh, canh Phum Cháy. Đây là địa điểm thứ năm mà cơ quan dời đến thiết lập căn cứ,” nhà báo Vũ Tiến Cường nhớ lại.

Trong tiếng ầm vang của bom, mìn vọng lại, tập thể phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng khẩn trương dựng xây lán trại mới, thiết kế hầm hào, công sự. “Thủ trưởng đa năng. Đó là cách mà chúng tôi vẫn gọi người thủ lĩnh của mình. Ông vừa chỉ đạo tác nghiệp vừa trực tiếp chỉ huy chiến đấu, giữ vững căn cứ,” cựu phóng viên Thông tấn xã Giải phóng hồi tưởng.

Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Lặng đi chừng vài phút, ông chia sẻ: “Có lẽ đây là một trong những chiến dịch ác liệt nhất mà chúng tôi trải qua. Anh Ngọc Đặng, người sau này được truy tặng danh hiệu ‘Dũng sỹ xe cơ giới’ đã anh dũng hy sinh sau khi bắn cháy hai xe bọc thép của Mỹ.”

Ngoài ra, Thông tấn xã Giải phóng đã cử một tổ phóng viên cùng tổ điện báo đi theo các mũi tiến công của quân giải phóng. Trong suốt chiến dịch (kéo dài 13 ngày), tổ điện báo bị đánh bom hơn 10 lần. Hai cán bộ của Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng đã phải di dời khoảng 9 lần. Trên 250 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… của Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã đã ngã xuống suốt từ Quảng Trị tới Cà Mau trong tư thế của người chiến sỹ.

Vượt qua những gian khổ, các phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng đã vững tay bút, tay súng để duy trì “mạch máu” thông tin giữa chiến trường khốc liệt./.

Làm báo trong lửa đạn chiến tranh

Những hồi ức không quên

Trong 15 năm sát cánh cùng quân dân miền Nam với cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, cán bộ và phóng viên, kỹ thuật viên… của Thông tấn xã Giải phóng đã có mặt ở các chiến dịch lớn, luồn sâu vào vùng địch, ấp chiến lược để giữ cho dòng tin chảy mãi.

Màn đêm là buồng tối

Lần giở lại những bức ảnh đã ố màu thời gian, nhà báo Hồ Phước Huề, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng không khỏi xúc động. Từ cuối năm 1972, ông nhận nhiệm vụ tăng cường cho chiến trường khu V, thường xuyên tác nghiệp tại các tỉnh từ Quảng Nam vào Bình Định.

Ngược dòng thời gian, cựu phóng viên chiến trường kể: Trong khoảng thời gian này, các vùng giải phóng và vùng bị địch chiếm đóng nằm xen kẽ nhau, tạo thành địa hình “loang lổ như da báo.” Từ nơi đóng quân ở Quảng Nam, với sự dẫn đường của các giao liên, những phóng viên chiến trường như ông Hồ Phước Huề hành quân bộ vượt núi, xuyên rừng.

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. Ảnh: TTXVN

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. Ảnh: TTXVN

“Khi đó, tính kỷ luật và sự chủ động luôn phải đặt lên hàng đầu. Nếu thiếu cẩn trọng, bị lạc đường, chúng tôi sẽ bị địch bắt. Nếu không chủ động, chúng tôi sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ,” ông Huề nói.

Dù là một phóng viên tin nhưng bên cạnh cuốn sổ, chiếc bút, phóng viên Hồ Phước Huề vẫn luôn mang theo chiếc máy ảnh để ghi lại những hình ảnh chân thực, quý giá về cuộc chiến đấu kiên cường của dân tộc.

Giữa khói lửa chiến tranh, việc chụp ảnh, thu thập thông tin đã khó; việc phát tin, tráng phim, chuyển tư liệu về tổng xã còn thử thách hơn nhiều lần. Dụng cụ tráng phim của ông Huề cũng như nhiều phóng viên chiến trường khi ấy là chiếc đèn pin bịt lá cây (để che bớt ánh sáng), chiếc bát sắt đựng thuốc tráng phim, thuốc hãm và nước suối để rửa phim.

“Không có phòng tối, chúng tôi phải đợi màn đêm buông xuống để mang phim ra tráng. Không ít lần, khi tôi đang tráng phim thì máy bay địch quần thảo. Đến lúc rời hầm trú ẩn trở lại khe suối, số phim quý báu chỉ còn là tàn tro. Giữa rừng sâu, hang tối, nhiều người phải chui vào màn để muỗi, côn trùng không bám vào làm hỏng phim,” ông Huề nhớ lại một thời gian khó.

“Cầu người” năm ấy

Tinh thần quả cảm của người chiến sỹ cùng sự nhạy bén nghề nghiệp của một nhà báo trưởng thành trong trận mạc đã giúp các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng năm xưa chớp được những khoảnh khắc “để đời.”

“Cầu người” của nhà báo Phạm Văn Thính là một trong những bức ảnh như vậy.

Bức ảnh
Bức ảnh “Cầu người” của nhà báo Phạm Văn Thính.

Nhớ về những năm tháng trai trẻ gắn bó với chiến trường Đông Nam Bộ, nhà báo Phạm Văn Thính khi sôi nổi, lúc trầm ngâm. “Trở thành chứng nhân của lịch sử là một điều đáng trân trọng nhưng trải nghiệm về những ngày rực lửa không nên và không được phép lặp lại trong cuộc đời mỗi con người,” ông lão ở tuổi bát tuần đã trải qua đủ những đau thương, mất mát chia sẻ.

Dõi đôi mắt về phía xa xăm, ông nhớ về cuộc hành quân tiến về Sài Gòn cùng Trung đoàn 3B, Sư đoàn 9 trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968).

“Đến khu vực suối Nhum (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), tôi bỗng thấy phía trước xôn xao. Linh tính mách bảo rằng có gì đó không ổn. Tôi vội vượt lên. Khung cảnh bất ngờ mở ra trước mắt: Một đoàn thanh niên xung phong đang ngâm mình dưới nước, biến thân mình thành trụ đỡ cho các tấm ván. Họ tạo thành chiếc cầu để việc vận chuyển thương binh qua suối bớt khó khăn,” ông kể.

Sau phút bất ngờ đến thảng thốt, ngỡ ngàng, phóng viên Phạm Văn Tính nhanh chóng chọn góc đứng, giơ máy ảnh và thu vào ống kính hình ảnh nhân văn – “Cầu người.”

“Thử hỏi, nếu không có chiếc cầu đặc biệt được làm nên bằng tình thương và lòng nhân ái đó, việc vận chuyển thương binh sẽ khó khăn nhường nào. Những người lính vốn đang bị vết thương hành hạ sẽ càng thêm đau đớn nhường nào?” Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn trăn trở với những câu hỏi đó.

“Cầu người” là biểu tượng của tình người, sự sáng tạo và ý chí vượt lên khó khăn. Năm 1976, bức ảnh “Cầu người” của phóng viên ảnh Phạm Văn Thính được triển lãm ở Hungary.

“Thời điểm đó và nhiều năm về sau, không ít bạn bè, đồng nghiệp gửi lời chúc mừng đến tôi, nhưng tôi nghĩ đó không chỉ là thành tích cá nhân. Quan trọng hơn, việc bức ảnh được chọn giới thiệu ở Hungary cho thấy sự ghi nhận của dư luận, truyền thông quốc tế đối với đóng góp của những thế hệ người làm báo Thông tấn xã Việt Nam trong việc ghi lại những hình ảnh chân thực, sinh động về cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc. Thông tấn xã Giải phóng đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành, cho tôi những kinh nghiệm làm báo sâu sắc,” cựu phóng viên chiến trường Phạm Văn Thính bày tỏ./.

Về chung “một nhà” 

Tự hào viết tiếp truyền thống vẻ vang

Trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên Thông tấn xã Giải phóng: từ chiến thắng Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964) đến cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thanh xuân gửi lại nơi chiến trường

Sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng đã khai thông liên lạc giữa miền Bắc với miền Nam trên làn sóng điện. Trong suốt cuộc trường chinh của dân tộc, Việt Nam Thông tấn xã luôn coi việc chi viện nhân lực cho miền Nam, cho Thông tấn xã Giải phóng là nhiệm vụ thiêng liêng để giữ vững mạch máu thông tin.

Từ sau ngày 12/10/1960, Việt Nam Thông tấn xã liên tiếp tổ chức thực hiện các đợt chi viện nhân lực và thiết bị cho Thông tấn xã Giải phóng.

Với lực lượng cán bộ không ngừng được bổ sung, lớn mạnh, Thông tấn xã Giải phóng tổ chức thành các phòng biên tập tin đối nội, tin đối ngoại, tin thế giới, nhiếp ảnh, điện vụ kỹ thuật, văn phòng, tổng hợp, in ấn, giao liên, phát hành. Hàng ngày, Thông tấn xã Giải phóng in và phát hành trên 400 bản tin các loại.

Ngược dòng thời gian, trở về những năm tháng gắn bó với chiến trường Quảng Đà, nhà báo Ðinh Trọng Quyền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ, nguyên Phó Trưởng ban biên tập tin Trong nước nghẹn giọng: “Đó là miền ký ức không thể lãng quên và không được phép lãng quên.” Ông là một trong số hàng trăm phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã đã lên đường chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng.

Sáng 15/5/1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn – Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự Lễ mừng chiến thắng. Ảnh: TTXVN

Sáng 15/5/1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn – Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự Lễ mừng chiến thắng. Ảnh: TTXVN

Đầu tháng 10/1969, khi vừa bước chân lên khỏi hầm, ông bị trúng pháo địch. Bàn chân phải và một phần bắp chân trái bị phá nát. “Tôi cố gắng dùng tất cả sức lực còn lại lấy vải dù thắt đầu mỏm cụt lại để cầm máu. Sau những phút gắng gượng di chuyển đau đớn, buốt tận óc qua những bãi đất ngổn ngang, tôi đến được một căn hầm khác để nhờ anh em đưa đi cấp cứu,” nhà báo Đinh Trọng Quyền nhớ lại.

Máu thấm đỏ chiếc võng trên đường tới trạm xá. Đau đớn chồng đớn đau khi cẳng chân bị hoại tử, bác sỹ yêu cầu cưa sát đầu gối. Cuộc phẫu thuật diễn ra ở bệnh xã lưng núi Hòn Tàu (Quảng Nam): Không thuốc gây mê, không thuốc giảm đau. Người phóng viên chiến trường năm xưa ngất đi trong đau đớn…

Mạch truyện nối dài, ông kể, khi biết tin bệnh xá HònTàu bị địch tấn công, ông lại là một trong số các bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây, các đồng nghiệp ở phân xã Quảng Đà ngỡ tưởng ông đã không thể vượt qua định mệnh. Lần tìm lên khu vực bệnh xá, họ mang theo bó nhang để thắp cho người quá cố.

“May thay, tôi đã được các chiến sỹ, bác sỹ vận chuyển đến địa điểm an toàn, để rồi sau này được trở về với gia đình, sống những ngày hòa bình đáng giá. Trong khi đó, nhiều đồng đội, đồng nghiệp của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu, núi cao,” giọng ông trùng xuống.

Câu chuyện “từ cõi chết trở về” của nhà báo Đinh Trọng Quyền nhắc nhớ những hy sinh, cống hiến to lớn của những người làm báo Thông tấn xã Giải phóng để làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Tin, ảnh của các nhà báo-chiến sỹ từ Quảng Trị đế đất mũi Cà Mau, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn-Gia Định… liên tiếp được gửi về, trở thành nguồn tin chiến lược, bổ sung và thẩm định các nguồn tin riêng của Trung ương, giúp Đảng hoạch định quyết sách đúng trong chiến tranh.

Xứng danh Thông tấn xã Anh hùng

Theo thống kê chưa đầy đủ, Thông tấn xã Giải phóng có hơn 240 nhà báo và kỹ thuật viên hy sinh, tương đương gần 50% tổng biên chế của Thông tấn xã Giải phóng vào cuối năm 1974. Đây là tổn thất nặng nề nhưng cũng chính là đóng góp vô giá của những người làm báo Thông tấn xã Giải phóng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng, hai người anh em ruột thịt, tuy hai mà một, đã chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam. Đây là thời khắc lịch sử. Sức mạnh của hai cơ quan thông tấn đã được hợp nhất trong giai đoạn mới của đất nước. Sức mạnh đó tiếp tục được củng cố khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ thời điểm lịch sử đó đến nay, đội ngũ người làm báo Thông tấn xã Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, viết tiếp các trang vàng lịch sử của ngành.

Sáng 13/5/1975, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và quân, dân miền Nam ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu Đoàn đại biểu BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào dự Lễ mừng chiến thắng tại thành phố Sài Gòn. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Văn Bảo – TTXVN

Sáng 13/5/1975, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và quân, dân miền Nam ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu Đoàn đại biểu BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào dự Lễ mừng chiến thắng tại thành phố Sài Gòn. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Văn Bảo – TTXVN

Những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam có mặt tại các điểm nóng về thiên tai, sự cố, thức trọn đêm ở những sự kiện lớn như Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai…

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có những chuyến vượt sóng ra đảo xa để phản ánh đời sống của người dân và chiến sỹ nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Phóng viên thường trú tại ngoài nước đã có những chuyến tác nghiệp thành công tại các địa bàn đang là điểm nóng, xung đột quân sự, nội chiến hay để tiếp cận những trường hợp bảo hộ công dân Việt Nam…

Hình ảnh những phóng viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết như phóng viên Đinh Hữu Dư sẽ sống mãi trong lòng các đồng nghiệp.

Trong thời gian gần đây, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhà báo thông tấn làm việc không kể ngày đêm để đưa tin từ các vùng tâm dịch tại Việt Nam và trên thế giới. Họ chưa bao giờ ra chiến trường, nhưng họ chắc chắn sẽ chiến thắng trong trận chiến này.

“Trong chiến tranh hay trong hòa bình, nhà báo thông tấn luôn là những người đứng ở tuyến đầu. Dù phương thức tác nghiệp ở mỗi thời có những điểm khác nhau, nhưng phẩm chất và đạo đức nhà báo thì không có gì thay đổi.” ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định.

Hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam khẳng định vị thế của một hãng thông tấn quốc gia hiện đại với khoảng 2.300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên…

Thông tấn xã Việt Nam sản xuất gần 70 sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: Tin văn bản, ảnh, truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh cùng nhiều sản phẩm thông tin hiện đại như megastory, phát hành trên các bản tin, báo in, báo điện tử, truyền hình, truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội.

Thông tấn xã Việt Nam cũng là cơ quan báo chí có hệ thống cơ quan thường trú ngoài nước lớn nhất Việt Nam, với 30 cơ quan thường trú tại 28 quốc gia; cùng với đó là mạng lưới cơ quan thường trú tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Hoạt động đối ngoại ngành không ngừng phát triển. Thông tấn xã Việt Nam có quan hệ hợp tác với hơn 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí nước ngoài tại cả năm châu lục, với uy tín không ngừng được nâng cao tại các tổ chức báo chí quốc tế và khu vực.

Ngày 1/9, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1521/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 15 tập thể vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thông tấn xã Giải phóng (Thông tấn xã Việt Nam) có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu lần này. Đây là lần thứ 3, Thông tấn xã Việt Nam vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển gắn liền với những dấu mốc lịch sử của đất nước, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí vinh dự được phong tặng ba danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và 2 lần phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cùng với đó, Thông tấn xã Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. Ảnh: Minh Lộc – TTXVN
Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. Ảnh: Minh Lộc – TTXVN

Những danh hiệu và phần thưởng cao quý đó là niềm tự hào, cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động Thông tấn xã Việt Nam hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945-15/9/2020) được tổ chức trang trọng sáng 13/9 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Những thời khắc lịch sử của dân tộc, dù đau thương hay hào hùng, được bạn đọc biết đến, được thế giới biết đến và ủng hộ, cũng nhờ những thông tin mà các nhà báo-chiến sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại, phát đi.”

Tiếp bước truyền thống, hiện nay, với vai trò cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam có con đường riêng của mình là “ngân hàng tin” cung cấp thông tin định hướng chính thống cho hệ thống báo chí, cho công chúng trong và ngoài nước, là nguồn thông tin báo cáo có giá trị phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu.

Thủ tướng nhấn mạnh đó là bản sắc riêng, giá trị nền tảng mà Thông tấn xã Việt Nam cần tiếp tục phát huy, giữ vững trong quá trình xây dựng các định hướng phát triển tương lai của ngành.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, Thông tấn xã Việt Nam đã phát triển nhanh, mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành hãng thông tấn quốc gia hàng đầu trong khu vực.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Thông tấn xã Việt Nam./.