Thú chơi quạt cổ

Thú chơi quạt cổ của những người yêu Hà Nội

Mỗi chiếc quạt tiêu biểu cho 1 thời kỳ lịch sử Hà Nội và người chơi thường tìm hiểu kỹ càng, coi chúng như món cổ vật quý, một thú vui.
Trong cuộc sống ồn ã, náo nhiệt của người dân thị thành, đây đó, trong những ngõ phố, mái nhà, ban công cổ kính của Thủ đô vẫn tồn tại thú chơi quạt cổ - niềm đam mê mang đậm dấu ấn lịch sử của những người yêu Hà Nội, yêu mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Hầu hết những người có sở thích chơi quạt cổ đều có điểm chung là rất am hiểu về nghề cơ khí, điện dân dụng.

Người chơi thường xuyên tìm tòi các tài liệu, học tập kinh nghiệm về lắp đặt, cơ chế vận hành, rồi những nét duyên dáng từ vẻ ngoài đến từng con ốc, từng mối hàn bên trong chiếc quạt và coi nó như một thú vui trong cuộc sống, một món cổ vật quý giá.

Theo giới am hiểu đồ điện cổ, quạt điện xưa thường được chia thành ba đời: Một vòng chập (loại được làm từ 1902-1953) có vòng đồng ở lõi thép tạo hiệu ứng từ trường lệch; đời “tân” là quạt chạy tụ (ra lò từ năm 1954 đến nay). Hiện trên thị trường quạt điện cổ tới 99% là loại môtơ vòng chập.

Loại thứ ba rất “ độc” là quạt chạy than hợp chất. Quạt này cũng sử dụng điện nhưng dùng hai cục than đá trong thân quạt. Đây mới là loại cổ nhất, xuất hiện từ khi có điện đến năm 1902, rất hiếm ở nước ta.

Yêu thích rồi đam mê từ độ nào không biết

Trong một căn nhà nhỏ trên phố Hàng Bồ, một con phố nhỏ lọt thỏm giữa khu phố cổ Hà Nội, có một cửa hàng trưng bày, bán quạt cổ mang tên Duong & Son – Old Fans Workshop.

Từ nhiều năm nay, cơ sở kinh doanh mặt hàng tưởng chừng như khó mua, khó bán, chẳng mấy ai quan tâm này lại là nơi thu hút rất nhiều du khách nước ngoài. Họ tìm đến đây, dường như để tìm về những giá trị lịch sử của Hà Nội xưa.

Chủ cửa hàng, ông Lê Tấn, kể nhiều năm trước, nhìn thấy những chiếc quạt điện cũ, hỏng, nằm lăn lóc trong góc nhà của các gia đình, ông nảy ra ý định xin về, rồi lọ mọ sửa chữa, chắp nối từng con vít, mối hàn. Ông tẩn mẩn tháo từng bộ phận, tra dầu, lau rửa đến khi nó sáng bóng mới thôi.

Thời ấy, rất nhiều các cơ quan nhà nước thanh lý đồ đạc cũ trong đó có quạt nên công việc thu thập của ông rất thuận lợi.

Ông cho rằng mỗi chiếc quạt là một thời kỳ lịch sử của Hà Nội, từ những năm tháng khó khăn đến thời kỳ đời sống người dân được cải thiện. Do vậy, càng làm, ông Tấn càng say sưa vẻ đẹp mà ông cho là “quý phái” của những cây quạt cổ.

Và, từ nhiều năm qua, trong căn nhà nhỏ ở Hàng Bồ của mình, từ tầng một cho tới tầng ba, ông Tấn đều giành để chứa hàng trăm chiếc quạt cổ các loại. Quạt ông sưu tầm mang nhiều quốc tịch khác nhau từ Ý, Hà Lan, Pháp…

Ông Tấn hào hứng cho biết quạt cổ có vẻ đẹp huyền bí vì nó có "hồn".

Trong “kho” ông Tấn có nhiều loại quạt nhưng ấn tượng nhất là loại mang hiệu Marelli (Ý). Đây là loại quạt mà giới sưu tầm trong và ngoài nước “lùng” nhiều nhất bởi sự quý hiếm của nó.

Quạt Marelli được làm rất công phu. Thời đó, dòng quạt này chỉ giành cho giới tư sản quý tộc.

Quạt trần Marelli trong kho ông Tấn là loại có ba cánh bằng gỗ Ý (loại gỗ cực quí, không bị cong vênh, mối mọt dù ở bất cứ nhiệt độ, thời tiết nào). Quạt còn có tai đồng, thân gang sơn màu nâu đen.

Để có thể “tậu” được những chiếc quạt cổ, ông Tấn phải đi rất nhiều nơi. Hễ có nơi nào thanh lý quạt cũ hay biết nhà nào có là ông lập tức có mặt để thẩm định và sẵn sàng bỏ tiền ra mua bằng được. Thậm chí ông còn đặt hợp đồng với dân đồng nát, sắt vụn để khi họ mua được những chiếc quạt cũ lâu đời thì bán lại cho ông với giá cao hơn.

Nhắc đến dân đam mê quạt cổ Hà thành, ngoài ông Tấn, còn phải kể đến ông Phúc ở Tạ Hiền, anh Hùng ở Đường Thành, anh Long ở Hoàng Hoa Thám .... những người đi đầu trong trào lưu sưu tập quạt bắt đầu rầm rộ vào những năm 1986 trước đây.

Trong giới sưu tập đồ cổ, ai cũng biết anh Long là một trong rất ít người sưu tập quạt cổ có được vài quạt Marelli thuộc loại cực hiếm. Hai chiếc Marelli trong bộ sưu tập của anh Long được sản xuất từ năm 1910, 4 cánh, lồng kích cỡ 40 cm, mỗi chiếc quạt có giá lên tới vài ngàn đô.

Ngoài ra, anh Long còn sở hữu một chiếc Libelle của Đức, được sản xuất vào năm 1915. Đó là một chiếc quạt nhỏ, lồng hai cánh, anh mua được từ năm 2004, trong một lần đến nhà người quen.

Đặc biệt, nhà sưu tập quạt cổ này còn lưu trữ được hai chiếc quạt thuộc loại cực quý mà sự ra đời của nó đánh dấu một dấu mốc trong quá trình phát triển của ngành cơ khí thế giới. Đó là những chiếc quạt được sản xuất vào năm 1890, khi điện mới được phát minh, chúng chạy bằng chổi than, cánh gỗ, dây dẫn điện có vỏ được làm bằng giấy một chiếc do Mỹ sản xuất và một chiếc Genteur của Pháp.

Mỗi cây quạt, một thời kỳ lịch sử

Những năm gần đây, nguồn quạt cổ ở Việt Nam đã gần như cạn bởi giới mê quạt ngày càng “săn” nhiều, dân chơi quạt thường phải đặt mua hàng ở Campuchia và Đức.

Theo anh Long, lịch sử cây quạt nói chung và quạt Marelli ở Việt Nam cũng thăng trầm như đời người vậy.

Quạt ra đời từ cuối thế kỷ 18 nhưng phải đến năm 1902 mới vào nước ta khi Nhà máy điện Yên Phụ xây dựng. Những quạt cổ này được người Pháp chở sang treo hàng loạt tại dinh sở, biệt thự Pháp cổ để làm dịu đi cái nóng như rang của miền nhiệt đới.

Niềm vui của mỗi người chơi quạt đó là khi sửa chữa thành công món đồ của mình.

Nhìn mỗi cánh quạt quay sau bao năm bị bỏ xó, dân sưu tập quạt cổ Hà thành hay nói vui về niềm đam mê của mình là nghề khởi động lại cỗ máy thời gian.

Cũng vì niềm yêu thích ấy, dân chơi quạt cổ đã không quản ngại vất vả, lang thang khắp 36 phố phường.

Và nỗi buồn đến với họ là khi phải trao món đồ ưng ý của mình cho những du khách nước ngoài có cùng sở thích.

“Nếu có điều kiện, tôi muốn giữ tất cả cho mình như một chứng tích của một thời Hà Nội xưa", ông Phúc nói./.
Minh Nghĩa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục