Thủ đô Astana - Bông hoa nở trên thảo nguyên Kazakhstan

Chỉ sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, giờ đây Astana đã trở thành niềm tự hào của người dân Kazakhstan, biểu tưởng ý chí và tình đoàn kết quốc gia.
Thủ đô Astana - Bông hoa nở trên thảo nguyên Kazakhstan ảnh 1Một góc thành phố Astana. (Nguồn: Dương Trí/Vietnam+)

Khi màn đêm buông xuống, ánh đèn hắt ra từ những tòa nhà cao tầng được xây theo lối kiến trúc độc đáo và hiện đại, thủ đô Astana của Kazakhstan hiện lên như một bông hoa lung linh khoe sắc trong gió Xuân.

Thế nhưng, ít ai ngờ rằng nơi đây trước năm 1997 vẫn còn là một thị trấn buồn tẻ nằm trên thảo nguyên mênh mông đầy nắng và gió.

Chỉ sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, giờ đây Astana đã trở thành niềm tự hào của người dân Kazakhstan, biểu tưởng ý chí và tình đoàn kết quốc gia.

Từ quyết định táo bạo...

Vào những ngày cuối tháng Tư, chúng tôi vinh dự được Đại sứ quan Kazakhstan tại Việt Nam mời sang đưa tin về cuộc bầu cử Tổng thống Kazakhstan trước thời hạn. Vừa rời khỏi sân bay thủ đô Astana, may mắn gặp ngay anh tài xế người Kazakhstan vui tính và được anh đưa đi tham quan một vòng thành phố trước khi về khách sạn nhận phòng.

Đặt chân đến Astana rồi mà chúng tôi vẫn có cảm tưởng như mình đang lạc vào thành phố của một quốc gia phương Tây phát triển nào đấy. Dọc những con phố rộng thênh thang (đường nội đô rộng 6 làn đường), sạch bóng là các tòa nhà cơ quan chính phủ, quốc hội, cao ốc văn phòng, khu vui chơi giải trí đan xen cùng các khu dân cư cao tầng hiện đại được xây dựng theo lối kiến trúc khác nhau song vẫn toát lên sự hài hòa giữa cổ điển và hiện đại.

Đặc biệt với trên 130 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Kazakhstan, kiến trúc xây dựng ở đây cũng thể hiện rõ sự đa văn hóa này. Nhìn ánh nắng vàng ươm trải dài trên những vòm cây, thảm cỏ đang vươn mình như muốn nuốt chửng khí tiết mùa Xuân sau mùa Đông khắc nghiệt kéo dài, tôi tự nhủ phải tranh thủ thời gian đi bộ dạo phố để ngắm cảnh sắc nơi đây.

Nhưng lạ thay, mặc dù thời tiết rất đẹp nhưng tôi cũng không thể đi dạo được lâu vì gió cứ thổi vù vù giống như đang đi trên bên bờ biển vào những ngày đông biển động. Sự thắc mắc của tôi được cô Malika Orazgaliyeva (tình nguyện viên phục vụ bầu cử Tổng thống Kazakhstan trước thời hạn) giải thích rằng Astana từng được biết đến với tên gọi Akloma, vốn là một thị trấn nghèo nàn, lạc hậu, nằm trơ trọi giữa thảo nguyên mênh mông lộng gió.

Thủ đô Astana - Bông hoa nở trên thảo nguyên Kazakhstan ảnh 2Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Trung Á. (Nguồn: Dương Trí/Vietnam+)

Trong khi đó, theo lời kể một số anh em người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Kazakhstan, do sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội (khoảng cách giữa Astana với các thành phố khác dài hàng trăm km), cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, luôn bị cái nắng mùa Hè thiêu rụi và chìm trong những trận bão tuyết với cái lạnh tới -40°C của mùa Đông nên dưới thời Sa Hoàng nơi đây được coi là địa điểm "lý tưởng" để bắt các tù nhân đi đày.

Tuy nhiên, tháng 12/1997, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbaev quyết định chuyển thủ đô từ Almaty đến Astana. Từ đó đến nay, Astana không ngừng “lột xác” và trở thành một thủ đô phát triển vào hàng nhanh nhất thế giới với những công trình kiến trúc độc đáo và hiện đại.

...tạo nên diện mạo mới của thủ đô

Theo cô bạn Malika, phần lớn người dân Kazakhstan đều cho rằng “nếu không có Tổng thống Nazarbaev thì Kazakhstan sẽ không có Astana.” Bởi vì khi ông Nazarbayev đưa ra ý tưởng về “siêu dự án” này thì vấp phải sự phản đối khá gay gắt của nhiều tầng lớp trong xã hội.

Sự phản đối này không phải không có lý vì khi đó Almaty là thành phố, trung tâm kinh tế lớn nhất của Kazarkhstan với hoạt động thương mại nhộn nhịp, sầm uất, khí hậu ấm áp, thu hút dân cư sinh sống đông nhất cả nước với gần 1,5 triệu người.

Nhưng bằng khả năng thuyết phục cao, kèm theo những luận chứng xác đáng nên Tổng thống Nazarbaev đã khiến mọi người đồng ý với mình. Hơn nữa, để Astana có diện mạo độc đáo và hiện đại như ngày hôm nay, ngay từ đầu Tổng thống Nazarbaev kiên quyết chỉ thuê những kiến trúc sư lừng danh thế giới như kiến trúc sư Kisho Kurokawa (người Nhật), kiến trúc sư người Anh Norman Foster thiết kế tất cả công trình được xây dựng ở thủ đô mới. Nhờ đó, mỗi công trình hoàn thành phần lớn trở thành danh lam thắng cảnh của thủ đô Astana.

Thủ đô Astana - Bông hoa nở trên thảo nguyên Kazakhstan ảnh 3Căn lều cao nhất thế giới bao trọn một công viên trong đó. (Ảnh: Dương Trí/Vietnam+)

Giờ đây, bất cứ du khách nào đến thủ đô Kazakhstan đều bị hút hồn bởi những công trình kiến trúc kỳ vĩ trong đó phải kể đến thánh đường Hồi giáo lớn nhất Trung Á Hazrat Sultan; Cung điện hòa bình và hòa giải với kiểu kiến trúc hình kim tự tháp bốn mặt; Khan Shatyr, căn lều của người dân du mục Trung Á - công trình cao nhất thủ đô Astana, Kazakhstan và cũng là căn lều cao nhất thế giới bao trọn một công viên trong nó; tòa tháp Cây Cuộc Sống (Baiterek) có hình ảnh một cây dương làm bệ đỡ cho quả trứng vàng của Samruk, loài chim được cho là đem lại hạnh phúc cho đất nước này)…

Không thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được, Astana lại tiếp tục tiến trình “lột xác” lần hai. Đoàn nhà báo quốc tế chúng tôi được ban tổ chức đưa đi thăm dự án mở rộng và hiện đại hóa Astana.

Phải tận mắt chứng kiến đại công trường đang hối hả thi công để kịp chào mừng sự kiện Expo-2017 Astana thì mới có thể hình dung được bộ mặt thủ đô Kazakhstan sẽ thay đổi như thế nào trong vài năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục