Thủ đô Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Đại lễ

Công tác tổ chức các hoạt động chuẩn bị phục vụ cho Lễ kỷ niệm, đảm bảo an toàn giao thông chuẩn bị cho Đại lễ đang được gấp rút thực hiện.
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Tính tới thời điểm này, công tác tổ chức kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các hoạt động chuẩn bị phục vụ cho Lễ kỷ niệm đang được gấp rút khẩn trương thực hiện.

130 chốt trực giao thông

Để đảm bảo giao thông thông suốt và trật tự an toàn giao thông trong các ngày diễn ra Đại lễ, Sở Giao thông Hà Nội đã bố trí 130 chốt trực phân theo 5 tiểu đội và tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện tham gia.

Cụ thể, Sở giao thông vận tải thiết lập các vành đai bảo vệ cho các ngày diễn ra hoạt động Đại lễ và bố trí đường đi vào nơi tập kết của xe khối diễu binh, diễu hành, đại biểu, khách mời và nhân dân.

Trong ngày Lễ diễu binh, diễu hành chia theo các tiểu khu (A, B, C, D, E) bao quanh Quảng trường Ba Đình và các tuyến đường phụ cận chia làm 130 chốt trực do đơn vị K10 – Bộ Công an đảm nhiệm với nhiệm vụ cấm các phương tiện lưu thông trong khu vực rộng lớn thuộc nhiều quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, không để các phương tiện, người không có nhiệm vụ đi vào khu vực bảo vệ để đảm bảo an toàn cho khu vực tập kết của các khối diễu binh, diễu hành cứ 5-10m lại có 1 cảnh sát hoặc quân nhân hoặc 1 bảo vệ dân phố, dân phòng làm trật tự hai bên đường.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng tổ chức cấm đường xung quanh khu vực tượng đài Lý Thái Tổ.

Trong các thời gian từ 20 giờ ngày 9/10 đến 23 giờ ngày 10/10, cấm tất cả các phương tiện giao thông dọc tuyến đường Hàng Đậu đến Thanh Niên và dọc các tuyến đường gần Hồ Hoàn Kiếm.

Ra đường phải có chứng minh thư

Bàn về vấn đề kiểm soát người dân sinh hoạt trong các khu vực diễn ra hoạt động Đại lễ, ông Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết: “Những hộ dân sinh sống trong khu vực này khi ra đường phải có chứng minh thư nhân dân để các chốt lực lượng chức năng xã hội như bảo vệ, dân quân kiểm soát. Nếu không có thì phải trình hộ khẩu thường trú.”

Ông Định cho biết thêm: “Khi các hoạt động Đại Lễ diễn ra, người dân thủ đô với truyền thống 1000 năm văn hiến cần chung tay góp sức cùng các lực lượng chức năng tổ chức thành công Đại lễ.”

Đại tá Bạch Thành Định cũng nêu rõ."Nếu đơn vị nào để xảy ra sơ suất hoặc sai sót ảnh hưởng đến các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì chỉ huy đơn vị đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Giám đốc Công an thành phố." 

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động Đại lễ, Công an thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Bộ Công an, lực lượng quân đội, thanh tra giao thông vận tải có huy động bảo vệ dân phố, thanh niên xung kích… để  triển khai công tác bảo vệ xung quanh khu vực tổ chức sự kiện.

Đối với từng hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Công an thành phố sẽ có phương án phân luồng, hướng dẫn giao thông riêng nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực diễn ra sự kiện và khu vực xung quanh.

Bố trí 8 điểm trông giữ xe

Để đảm bảo an ninh, chống ùn tắc giao thông phục vụ Đại lễ, Bộ Công an cũng phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty Khai thác điểm đỗ xe tổ chức khảo sát và đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố trưng dụng 8 điểm làm nơi đỗ xe nhằm hạn chế các phương tiện tham gia giao thông.

Theo phương án của Sở Giao thông,  8 điểm trông giữ xe với tổng diện tích 87.500m2, sức chứa 3370 xe gồm: Điểm đỗ xe trước cổng công viên Yên Sở, điểm đỗ Kim Ngưu, điểm đỗ xe Hải Bối, điểm đỗ xe Hồng Hà, điểm đỗ xe Gia Thụy, điểm đỗ xe Dịch Vọng, điểm đỗ xe Mỹ Đình.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “8 điểm trông giữ xe này phục vụ cho người dân ở các vùng khác vào xem diễu binh diễu hành. Người dân sẽ gửi xe ở các điểm trông giữ để giảm ùn tắc và phân luồng giao thông từ xa và có xe buýt chở khách mời, nhân dân miễn phí đưa vào nội đô.”

Theo ông Trần Danh Lợi, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, rà soát toàn bộ các điểm đỗ xe này giải phóng trước ngày 29/9 và giao cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tổ chức trông giữ phương tiện trong thời gian trưng dụng.

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải cũng giao cho các quận khảo sát lập phương án cụ thể bố trí điểm trông giữ xe máy, xe đạp trên vỉa hè, các điểm đỗ xe ôtô cho nhân dân tham gia lễ hội miễn phí.

Trung tâm quản lý điều hành Giao thông đô thị thông báo cấm xe buýt, phân luồng các tuyến xe buýt công cộng không đi qua khu vực bảo vệ trên một số tuyến đường cấm trong ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm.

Chung tay, chung sức vì Đại lễ

Rất nhiều hoạt động ngoài lề của các công ty, doanh nghiệp chào mừng Đại lễ cũng đang được thúc đẩy. Theo thông tin từ Tổng công ty vận tải Hà Nội, trong đợt cao điểm từ ngày 25/9, Tổng công ty sẽ dán khẩu hiệu chào mừng Đại  lễ trên 1.062 xe hoạt động trong nội đô, buýt kế cận và buýt chuyên chở cán bộ công chức thành phố và cắm cờ trên 929 xe buýt nội đô.

Cũng năm trong chuỗi hoạt động đó, hệ thống taxi cũng tham gia vào phong trào thi đua bằng việc triển khai thanh toán bằng thẻ ngân hàng vào ngày 25/9 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách quốc tế đến với Thủ đô.

Thành phố cũng đang tiến hành làm các màn hình chiếu ngoài trời (Led)  với 20 điểm để người dân được xem trực tiếp lễ diễu hành, diễu binh, các hoạt động trọng tâm của Đại lễ tại các điểm công cộng./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục