Thủ đoạn lừa đảo nhận xin việc để chiếm đoạt tài sản

Với thủ đoạn nhận tiền rồi viết giấy vay nợ, từ tháng 8/2012 đến đầu tháng 3/2013, đối tượng Phương đã chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Qua công tác nắm tình hình và nguồn tin do nhân dân cung cấp, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1960, thường trú tại tổ 6, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, khoảng đầu tháng 3 năm nay, Công an huyện Yên Bình và Công an tỉnh Yên Bái liên tục nhận được đơn tố cáo của các hộ dân sống tại các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thành phố Yên Bái và các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một đối tượng tên là Phương. Đối tượng này tự giới thiệu là giáo viên dạy tại một trường tiểu học ở huyện Yên Bình.

Bằng thủ đoạn sử dụng uy tín của cơ quan và cá nhân, đối tượng này đã hứa hẹn xin việc cho con em của các hộ dân để nhận tiền và sau đó chiếm đoạt luôn số tiền đó. Nhận thấy dấu hiệu của vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an huyện Yên Bình đã khẩn trương xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ hành vi, thủ đoạn của đối tượng này.

Đến đầu tháng 5/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Bình đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Tại đây, chân dung và hành vi lừa đảo của đối tượng đã được làm rõ. Đối tượng tên thật là Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1960, thường trú tại tổ 6, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, từng là giáo viên và là chủ tịch công đoàn của trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. Đến cuối tháng 6 vừa qua, đối tượng Phương mới hoàn toàn nhận những hành vi mà mình đã gây ra.

Theo tài liệu của cơ quan Cảnh sát điều tra, với thủ đoạn nhận tiền rồi viết giấy vay nợ, từ tháng 8/2012 đến đầu tháng 3/2013, Phương đã nhận gần 2 tỷ đồng tiền mặt và hứa hẹn xin việc cho con em của gần 30 hộ dân thuộc địa bàn các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thành phố Yên Bái và các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang… Để tạo sự tin tưởng, Phương thường xuyên sử dụng một số người làm trung gian, giới thiệu Phương là giáo viên, chủ tịch công đoàn của một trường học có uy tín, có quan hệ họ hàng thân thiết với lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, đã xin việc thành công cho rất nhiều người.

Để nhờ Phương xin việc cho con em mình, mỗi gia đình đã phải trả cho đối tượng này số tiền từ 40-70 triệu đồng, cá biệt có một vài hộ đã đưa cho Phương tới hơn 100 triệu đồng. Với thủ đoạn trên, Phương đã làm cho rất nhiều người mắc bẫy, tin tưởng giao tiền cho Phương, thậm chí ngay cả Phương cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu người đã từng là nạn nhân của mình…

Gia đình bà Trần Thị Nga, thôn 10 xã Quy Mông, huyện Trấn Yên là một trong số những nạn nhân bị Phương lừa đảo cho biết: Gia đình hy vọng tìm được việc cho cô con gái vừa tốt nghiệp một trường trung cấp sư phạm, nên đã đi vay mượn khắp nơi, thậm chí phải bán cả mấy héc-ta quế để có số tiền gần 80 triệu đồng đưa cho Phương. Không những vậy, Phương còn nhiều lần đề nghị bà Nga làm trung gian môi giới giúp Phương với những người có nhu cầu xin việc để được nhận phần trăm tiền hoa hồng.

Ngay gần nhà bà Nga là căn nhà tuềnh toàng của gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn 5, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. Căn nhà vốn dĩ đã vắng lặng nay càng trở nên hiu quạnh hơn khi cả gia đình bà Hằng đã phải ly tán mỗi người một nơi để kiếm tiền trả nợ cho ngân hàng và các chủ nợ. Cũng giống như bà Nga, chỉ vì tin theo lời dụ dỗ mà bà Hằng đã đem hơn 100 triệu đồng có được do tích cóp, vay mượn và cầm cố sổ đỏ của gia đình để trao cho kẻ lừa đảo. Giờ đây, căn bệnh tắc mạch máu não, viêm gan B từ vài năm trước đang quay trở lại "tấn công" bà. Không còn tiền để điều trị bệnh, cộng với nỗi lo cho tương lai của các con khiến bà ngày càng kiệt sức.

Mong muốn con em mình có công ăn việc làm ổn định là nguyện vọng chính đáng của tất cả các bậc làm cha, làm mẹ, với những người nông dân, đó còn là một sự kỳ vọng. Chính vì vậy, họ đã dễ dàng tin tưởng giao tất cả của cải mà mình tích cóp được cho kẻ lừa đảo.

Công an tỉnh Yên Bái lưu ý người dân: Vụ việc này là một bài học, người dân không nên vì mất cảnh giác để trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Yên Bái thông báo: Ai là nạn nhân của vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, hãy đến trình báo tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái để được giải quyết./.

Tuấn Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục